Cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá tài sản vô hình

Phương pháp thẩm định giá tài sản vô hình
Cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá tài sản vô hình – Thẩm định giá Thành Đô

(TDVC Cách tiếp cận, phương pháp thẩm định giá tài sản vô hình) – Trong nền kinh tế toàn cầu hóa và hội nhập hiện nay, tài sản vô hình như giá trị thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ, cơ sở dữ liệu, tài sản trí tuệ, quyền mang lại lợi ích kinh tế, nguồn lực nhân sự và khách hàng… là một phần không thể thiếu, là nhân tố chính có giá trị rất cao và đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển, thành công của Doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần tập trung nhiều hơn để đảm bảo lợi nhuận và tính bền vững của mình trong tương lai. Vậy làm thế nào để xác định được giá trị của các tài sản vô hình đó? Phương pháp thẩm định giá tài sản vô hình đó như thế nào? Đó là câu hỏi băn khoăn của rất nhiều chủ doanh nghiệp khi quản lý tài sản vô hình?

Theo tiêu chuẩn thẩm định giá số 13 về thẩm định giá tài sản vô hình gồm có 03 cách tiếp cận cơ bản là: Cách tiếp cận thị trường, cách tiếp cận từ chi phí, cách tiếp cận từ thu nhập. Trong mỗi cách tiếp cận có những phương pháp thẩm định khác nhau.

  • Cách tiếp cận từ thị trường thì phương pháp thẩm định là phương pháp so sánh.
  • Cách tiếp cận từ chi phí bao gồm hai phương pháp thẩm định giá là: phương pháp chi phí thay thế và phương pháp chi phí tái tạo.
  • Cách tiếp cận từ thu nhập có 03 phương pháp là: phương pháp tiền sử dụng tài sản vô hình, phương pháp lợi nhuận vượt trội và phương pháp thu nhập tăng thêm

Cách tiếp cận thẩm định giá tài sản vô hình

1. Cách tiếp cận thị trường/ phương pháp so sánh

Giá trị của tài sản vô hình cần thẩm định giá được xác định căn cứ vào việc so sánh, phân tích thông tin của các tài sản vô hình tương tự có giá giao dịch trên thị trường. Việc phân tích chi tiết đặc điểm, tính tương đồng của tài sản vô hình so sánh với tài sản vô hình cần thẩm định cụ thể như sau:

  • Các quyền liên quan đến sở hữu tài sản vô hình
  • Các điều khoản về tài chính liên quan đến việc mua bán, hoặc chuyển giao quyền sử dụng
  • Lĩnh vực ngành nghề mà tài sản vô hình đang được sử dụng
  • Yếu tố địa lý, khu vực ảnh hưởng đến việc sử dụng tài sản vô hình
  • Các đặc điểm ảnh hưởng đến tuổi đời kinh tế còn lại của tài sản vô hình
  • Các đặc điểm khác của tài sản vô hình

Khi sử dụng phương pháp so sánh nên sử dụng ít nhất 03 tài sản vô hình tương tự để so sánh. Trong trường hợp chỉ tìm kiếm được thông tin 01hoặc 02 tài sản vô hình tương tự đã giao dịch trên thị trường thì kết quả thẩm định giá từ cách tiếp cận thị trường chỉ để kiểm tra đối chiếu kết quả thẩm định giá có được từ cách tiếp cận khác.

Khi sử dụng thẩm định giá tài sản vô hình bằng phương pháp so sánh cần chú ý một số thông tin sau:

  • Giá giao dịch thành công, giá chào bán, giá chào mua…của tài sản vô hình tương tự với tài sản vô hình cần thẩm định giá
  • Địa điểm và điều kiện thị trường tại thời điểm xảy ra giao dịch, động cơ của người mua và người bán, các điều khoản thanh toán cũng như các yếu tố khác liên quan tới giao dịch.
  • Các mức điều chỉnh cần thiết đối với các mức giá và hệ số điều chỉnh để phản ánh sự khác biệt giữa tài sản vô hình cần thẩm định giá và các tài sản vô hình tương tự để so sánh.

Trường hợp áp dụng phương pháp so sánh từ cách tiếp cận thị trường là khi có thông tin về tài sản vô hình tương tự được giao dịch hoặc được chuyển giao quyền sử dụng hoặc có thị trường giao dịch; Khi cần đối chiếu kết quả với các phương pháp thẩm định giá khác.

2. Cách tiếp cận thị từ chi phí

Cách tiếp cận từ chi phí ước tính giá trị tài sản vô hình căn cứ vào chi phí tái tạo ra tài sản vô hình giống nguyên mẫu với tài sản cần thẩm định giá hoặc chi phí thay thế để tạo ra một tài sản vô hình tương tự có cùng chức năng, công dụng theo giá thị trường hiện hành.

Giá trị ước tính của Tài sản vô hình=Chi phí tái tạo (Chi phí thay thế)

 

Hao mòn lũy kế + Lợi nhuận của nhà sản xuất

 

Trong đó, lợi nhuận của nhà sản xuất được xác định thông qua biện pháp so sánh, điều tra, khảo sát.

Cách tiếp cận từ chi phí gồm hai phương pháp chính là: Phương pháp chi phí tái tạo và phương pháp chi phí thay thế. Chi phí thay thế hoặc chi phí tái tạo trong phương pháp chi phí bao gồm các chi phí sau: Chi phí về nhân công, nguyên vật liệu, chi phí cho các tài sản hữu hình phụ trợ cần thiết để phát huy được giá trị của tài sản vô hình, chi phí duy trì ( Chi phí quảng cáo để duy trì vị thế của nhãn hiệu, chi phí quản lý chất lượng của sản phẩm, …), chi phí đăng ký xác lập quyền đối với tài sản trí tuệ, chi phí nghiên cứu phát triển và các chi phí hợp lý khác.

a, Phương pháp chi phí tái tạo

Phương pháp chi phí tái tạo xác định giá trị của một tài sản vô hình thông qua việc tính toán chi phí tạo ra một tài sản khác tương đồng với tài sản vô hình cần thẩm định giá theo giá thị trường hiện hành.

Giá trị ước tính của Tài sản vô hình=Chi phí tái tạo

 

Hao mòn lũy kế + Lợi nhuận của nhà sản xuất

 

 

Để áp dụng phương pháp chi phí tái tạo cần những thông tin sau: Thông tin về chi phí cần thiết để tái tạo lại tài sản vô hình tương đồng với tài sản vô hình cần thẩm định. Thông tin về hao mòn và lỗi thời của tài sản vô hình cần thẩm định, hoặc của các tài sản vô hình tương tự với tài sản vô hình cần thẩm định giá trên thị trường.

Các trường hợp để áp dụng phương pháp chi phí tái tạo:

  • Khi có thông tin, số liệu chi tiết về chi phí tạo ra tài sản vô hình, đặc biệt là khi phù hợp với mục đích xác định giá trị phi thị trường của tài sản vô hình cần thẩm định giá.
  • Khi tính giá trị tài sản vô hình đối với người chủ sở hữu sử dụng (dựa trên giả định nếu người chủ sở hữu không còn tài sản vô hình này, họ buộc phải tạo ra tài sản vô hình tương tự thay thế để tiếp tục sử dụng).
  • Khi xác định phần thiệt hại về các lợi ích từ tài sản vô hình do các hành vi sử dụng trái phép, phá vỡ hợp đồng,…
  • Có thể dùng làm một phương pháp bổ sung cho các phương pháp thẩm định giá khác.

b, Phương pháp chi phí thay thế

Phương pháp chi phí thay thế xác định giá trị của một tài sản vô hình thông qua việc tính toán chi phí thay thế tài sản đó bằng một tài sản khác có chức năng, công dụng tương tự theo giá thị trường hiện hành.

Giá trị ước tính của Tài sản vô hình=Chi phí thay thế

 

Hao mòn lũy kế + Lợi nhuận của nhà sản xuất

 

Khi xác định giá trị của tài sản vô hình theo phương pháp chi phí thay thế cần xem xét các nội dung sau: Các đặc điểm khác nhau có thể đo lường được của tài sản thay thế và tài sản thẩm định; Thời điểm đánh giá các chi phí thay thế so với thời điểm thẩm định giá.

Để áp dụng phương pháp chi phí thay thế cần những thông tin sau: thông tin về chi phí cần thiết để tạo ra tài sản vô hình có chức năng tương tự như tài sản vô hình cần thẩm định, thông tin về hao mòn do lỗi thời của tài sản vô hình cần thẩm định, và/hoặc các tài sản vô hình tương tự trên thị trường.

Các trường hợp để áp dụng phương pháp chi phí thay thế:

  • Khi có thông tin, số liệu chi tiết về chi phí tạo ra tài sản vô hình.
  • Khi tài sản vô hình tiếp tục được sử dụng bởi người chủ sở hữu (Dựa trên giả định nếu người chủ sở hữu không còn tài sản vô hình này và họ phải tạo ra tài sản vô hình tương tự để thay thế và sử dụng).
  • Khi không xác định được dòng thu nhập hoặc các lợi ích kinh tế khác từ việc sử dụng tài sản vô hình. Ví dụ: phần mềm tự chế, nội dung trang thông tin điện tử, lực lượng lao động.
  • Khi xác định giá trị bảo hiểm cho tài sản vô hình.
  • Có thể dùng làm một phương pháp bổ sung cho các phương pháp thẩm định giá khác.

Thẩm định giá tài sản vô hình

3. Cách tiếp cận từ thu nhập

Cách tiếp cận từ thu nhập xác định giá trị của tài sản vô hình thông qua giá trị hiện tại của các khoản thu nhập, các dòng tiền và các chi phí tiết kiệm do tài sản vô hình mang lại. Cách tiếp cận từ thu nhập gồm ba phương pháp chính là: phương pháp tiền sử dụng tài sản vô hình, phương pháp lợi nhuận vượt trội, phương pháp thu nhập tăng thêm.

a, Phương pháp tiền sử dụng tài sản vô hình

Giá trị của tài sản vô hình được tính toán trên cơ sở giá trị hiện tại của dòng tiền sử dụng tài sản vô hình mà tổ chức, cá nhân nhận được khi cho phép sử dụng tài sản vô hình. Phương pháp này đặt ra giả định rằng tổ chức hoặc cá nhân không sở hữu tài sản vô hình phải trả tiền để sử dụng nó. Vì vậy, phương pháp này tính giá trị tài sản vô hình thông qua việc tính các khoản tiền sử dụng tài sản vô hình tiết kiệm được nếu tổ chức hoặc cá nhân đó sở hữu tài sản vô hình. Và được thực hiện bằng cách chiết khấu dòng tiền trong tương lai là khoản tiền sử dụng tài sản vô hình tiết kiệm được đã trừ thuế (nếu có).

Việc tính toán dòng tiền sử dụng tài sản vô hình, thuế, chi phí duy trì và các khoản chi phí hỗ trợ khác phải nhất quán. Cụ thể, nếu tổ chức cá nhân sở hữu tài sản vô hình chịu trách nhiệm trả chi phí duy trì (ví dụ chi phí quảng cáo, hoặc chi phí nghiên cứu duy trì và phát triển), thì tiền sử dụng tài sản vô hình cũng như dòng tiền trả để được sử dụng tài sản vô hình cũng cần tính đến các chi phí này. Ngược lại, nếu chi phí duy trì không bao gồm trong tiền sử dụng tài sản vô hình, thì chi phí này cũng cần được loại bỏ khỏi dòng tiền trả để sử dụng tài sản vô hình.

Thông tin áp dụng phương pháp tiền sử dụng tài sản vô hình:

  • Mức tiền sử dụng tài sản vô hình: Mức tiền sử dụng tài sản vô hình thực tế mà người chủ tài sản vô hình có được nhờ chuyển giao quyền sử dụng tài sản vô hình; Mức tiền sử dụng tài sản vô hình giả định tức là khoản tiền người sử dụng giả thiết phải trả cho người chủ sở hữu tài sản vô hình. Mức tiền này được tính trên cơ sở mức tiền sử dụng tài sản vô hình của các tài sản vô hình tương tự được giao dịch trên thị trường, hoặc được tính trên phần lợi nhuận của việc sử dụng tài sản vô hình mà người sử dụng tài sản vô hình sẵn sàng trả cho người sở hữu tài sản vô hình trong một giao dịch khách quan và độc lập.
  • Có các thông tin giao dịch của các tài sản tương tự về các quyền được luật pháp bảo hộ, các thông tin trên hợp đồng nhượng quyền sử dụng tài sản vô hình như tiền sử dụng tài sản vô hình, các chi phí yêu cầu phải bỏ ra để duy trì (ví dụ như quảng cáo, nâng cấp sản phẩm, kiểm soát chất lượng), ngày sử dụng, ngày kết thúc hợp đồng nhượng quyền.
  • Báo cáo tài chính và các tài liệu liên quan.

Phương pháp tiền sử dụng tài sản vô hình được áp dụng trong các trường hợp sau: Khi có thông tin, số liệu cần thiết về tiền sử dụng tài sản vô hình của các tài sản vô hình tương tự trên thị trường. Khi cần tính mức bồi thường thiệt hại trong trường hợp có tranh chấp. Có thể dùng làm một phương pháp bổ sung cho các phương pháp thẩm định giá khác

b, Phương pháp lợi nhuận vượt trội

Phương pháp lợi nhuận vượt trội ước tính giá trị của tài sản vô hình trên cơ sở chênh lệch giữa các khoản lợi nhuận có được của một doanh nghiệp khi sử dụng và khi không sử dụng tài sản vô hình này. Trong phương pháp lợi nhuận vượt trội, giá trị tài sản vô hình được ước tính trên cơ sở chênh lệch của giá trị hiện tại của hai dòng tiền chiết khấu trong trường hợp tài sản vô hình cần thẩm định giá được sử dụng để tạo ra thu nhập vượt trội cho chủ thể và trong trường hợp chủ thể không sử dụng tài sản vô hình cần thẩm định giá

Thông tin cần có để áp dụng phương pháp lợi nhuận vượt trội:

  • Một số hoặc tất cả các thông tin sau cần được cân nhắc trước khi áp dụng phương pháp lợi nhuận vượt trội:
  • Lợi nhuận kỳ vọng, chi phí tiết kiệm được và các dòng thu nhập trong tương lai tạo ra cho một doanh nghiệp khi sử dụng tài sản vô hình và không sử dụng tài sản vô hình.
  • Tỷ suất chiết khấu phù hợp để dự báo thu nhập trong tương lai.

c, Phương pháp thu nhập tăng thêm

Phương pháp thu nhập tăng thêm xác định giá trị của tài sản vô hình thông qua giá trị hiện tại của các dòng tiền được cho là phát sinh từ đóng góp của tài sản vô hình cần thẩm định giá sau khi loại trừ tỷ lệ dòng tiền phát sinh từ đóng góp của các tài sản khác.

Thông tin áp dụng phương pháp thu nhập tăng thêm:

  • Dòng tiền của doanh nghiệp tạo ra bởi tài sản vô hình cần thẩm định, bao gồm cả dòng thu nhập và các chi phí gắn liền với tài sản vô hình cần thẩm định;
  • Chi phí sử dụng các tài sản phụ trợ cần thiết và gắn liền với việc sử dụng hiệu quả tài sản vô hình cần thẩm định;
  • Tỷ suất chiết khấu phù hợp để chuyển đổi về giá trị hiện tại của tài sản vô hình cần thẩm định;
  • Các chi phí hoặc lợi ích liên quan, ví dụ mức thuế áp dụng với việc sử dụng tài sản vô hình cần thẩm định.

Các trường hợp áp dụng phương pháp thu nhập tăng thêm: Khi thẩm định giá các tài sản vô hình có sự kết hợp với các tài sản khác trong một nhóm tài sản để tạo ra dòng tiền. Trong đó, tài sản vô hình cần thẩm định giá có tác động chính yếu tới dòng thu nhập, phần đóng góp từ các tài sản khác là không chính yếu. Có thể dùng làm phương pháp bổ sung cho các phương pháp thẩm định giá khác.

Quý khách hàng có nhu cầu thẩm định giá xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY CỔ PHẦN THẨM ĐỊNH GIÁ THÀNH ĐÔ

  • Hội sở: Tầng 5 – Tòa nhà Viễn Đông, số 36 Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
  • Hotline: 0985103666 – 0906020090 | | Email: info@tdvc.com.vn
  • Hệ thống thẩm định giá toàn quốc: XEM CHI TIẾT TẠI ĐÂY
  • Hồ sơ năng lực: TẠI ĐÂY

Công ty cổ phần Thẩm định giá Thành Đô, Doanh nghiệp Thẩm định giá tài sản vô hình như: giá trị thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ, cơ sở dữ liệu, tài sản trí tuệ, quyền mang lại lợi ích kinh tế, nguồn lực nhân sự và khách hàng…hàng đầu Việt Nam. Thẩm định giá Thành Đô áp dụng Tiêu chuẩn Quốc tế ISO 9001:2015 cho hệ thống quản lý chất lượng góp phần quan trọng giúp khách hàng có những quyết định chính xác trong việc kinh doanh, gọi vốn đầu tư, vay vốn ngân hàng và mua bán minh bạch trên thị trường.

Bạn đang đọc bài viết: “Cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá tài sản vô hình” tại chuyên mục tin thẩm định giá của Công ty cổ phần Thẩm định giá Thành Đô.

Liên hệ thẩm định giá:   0985 103 666   0906 020 090

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Call Now Button