Doanh nghiệp là gì? Các phương pháp thẩm định giá doanh nghiệp năm 2023
(TDVC Các phương pháp thẩm định giá doanh nghiệp năm 2023) – Thẩm định giá doanh nghiệp là một dịch vụ tư vấn tài chính không thể thiếu về việc xác định giá trị doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường. Các công ty thẩm định giá xác định giá trị bằng tiền của doanh nghiệp theo quy định của Bộ luật Dân sự phù hợp với giá thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định, phục vụ cho mục đích nhất định theo tiêu chuẩn thẩm định giá.
Thẩm định giá doanh nghiệp được xem là một công việc phức tạp bởi các yếu tố tạo nên giá trị doanh nghiệp được tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau góp phần làm minh bạch, thúc đẩy sự phát triển hiệu quả của thị trường đảm bảo lợi ích chính đáng của các bên tham gia định giá.
Thẩm định giá doanh nghiệp được thực hiện bởi các thẩm định viên chuyên nghiệp, có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thẩm định giá. Từ đó các thẩm định viên đưa ra các phương pháp thẩm định giá đối với các doanh nghiệp khác nhau cho ra kết quả thẩm định giá độc lập, chính xác nhất và tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn thẩm định giá.
1. Doanh nghiệp là gì?
Doanh nghiệp là một tổ chức kinh tế được sự thừa nhận về mặt pháp luật trên một số tiêu chuẩn nhất định. Theo khoản 10 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.
Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp còn định nghĩa các loại doanh nghiệp sau:
- Doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88 Luật Doanh nghiệp 2020.
- Doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và có trụ sở chính tại Việt Nam.
2. Các phương pháp thẩm định giá doanh nghiệp 2023
Các phương pháp thẩm định giá doanh nghiệp thuộc các cách tiếp cận bao gồm: cách tiếp cận từ thị trường, cách tiếp cận từ chi phí và cách tiếp cận từ thu nhập. Doanh nghiệp thẩm định giá cần lựa chọn các phương pháp thẩm định giá trên cơ sở hồ sơ, tài liệu được cung cấp và thông tin tự thu thập để thẩm định giá doanh nghiệp.
- Trong cách tiếp cận từ thị trường, giá trị doanh nghiệp được xác định thông qua giá trị của doanh nghiệp so sánh với doanh nghiệp cần thẩm định giá về các yếu tố: quy mô; ngành nghề kinh doanh chính; rủi ro kinh doanh, rủi ro tài chính; các chỉ số tài chính hoặc giá giao dịch đã thành công của chính doanh nghiệp cần thẩm định giá. Phương pháp được sử dụng trong cách tiếp cận từ thị trường để xác định giá trị doanh nghiệp là phương pháp tỷ số bình quân và phương pháp giá giao dịch.
- Trong cách tiếp cận từ chi phí, giá trị doanh nghiệp được xác định thông qua giá trị các tài sản của doanh nghiệp. Phương pháp được sử dụng trong cách tiếp cận từ chi phí để xác định giá trị doanh nghiệp là phương pháp tài sản.
- Trong cách tiếp cận từ thu nhập, giá trị doanh nghiệp được xác định thông qua việc quy đổi dòng tiền thuần trong tương lai có thể dự báo được về thời điểm thẩm định giá. Phương pháp được sử dụng trong cách tiếp cận từ thu nhập để xác định giá trị doanh nghiệp là phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do của doanh nghiệp, phương pháp chiết khấu dòng cổ tức và phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do vốn chủ sở hữu.
Khi xác định giá trị doanh nghiệp bằng cách tiếp cận từ thu nhập cần cộng giá trị của các tài sản phi hoạt động tại thời điểm thẩm định giá với giá trị chiết khấu dòng tiền có thể dự báo được của các tài sản hoạt động tại thời điểm thẩm định giá. Trong trường hợp không dự báo được một cách đáng tin cậy dòng tiền của một số tài sản hoạt động thì thẩm định viên có thể không dự báo dòng tiền của tài sản hoạt động này và xác định riêng giá trị của tài sản hoạt động này để cộng vào giá trị doanh nghiệp. Riêng phương pháp chiết khấu cổ tức thì không cộng thêm phần tài sản phi hoạt động là tiền mặt và tương đương tiền.
2.1. Phương pháp tỉ số bình quân
Phương pháp tỉ số bình quân là phương pháp ước tính giá trị doanh nghiệp cần thẩm định giá thông qua tỉ số thị trường trung bình của các doanh nghiệp so sánh.
2.1.1 Trường hợp áp dụng phương pháp tỷ số bình quân
Có ít nhất 03 doanh nghiệp so sánh. Ưu tiên các doanh nghiệp so sánh là các doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch trên UPCoM.
2.1.2 Các bước xác định giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp
- Bước 1: Đánh giá, lựa chọn các doanh nghiệp so sánh.
- Bước 2: Xác định các tỷ số thị trường được sử dụng để ước tính giá trị doanh nghiệp cần thẩm định giá.
- Bước 3: Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá trên cơ sở các tỷ số thị trường phù hợp để sử dụng và thực hiện các điều chỉnh khác biệt.
2.2. Phương pháp dòng tiền chiết khấu
Phương pháp dòng tiền chiết khấu là phương pháp thẩm định giá xác định giá trị của tài sản thẩm định giá dựa trên cơ sở quy đổi các dòng tiền trong tương lai dự kiến có được từ tài sản về giá trị hiện tại thông qua việc sử dụng tỷ suất chiết khấu phù hợp. Phương pháp dòng tiền chiết khấu thuộc cách tiếp cận từ thu nhập (Cách tiếp cận từ thu nhập là cách thức xác định giá trị của tài sản thông qua việc quy đổi dòng tiền trong tương lai có được từ tài sản về giá trị hiện tại). Theo tiêu chuẩn thẩm định giá số 10
Phương pháp chiết khấu dòng tiền trong thẩm định giá doanh nghiệp được cụ thể hoá bằng bốn phương pháp: phương pháp hiện tại hoá lợi nhuận thuần; phương pháp chiết khấu dòng cổ tức; Phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do vốn chủ sở hữu; Phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do của doanh nghiệp (FCFF). Cơ sở của các phương pháp này đều xuất phát từ quan niệm cho rằng giá trị doanh nghiệp được đo bằng độ lớn của khoản thu nhập mà doanh nghiệp có thể mang lại trong tương lai. Tùy theo mục đích định giá, loại hình doanh nghiệp và nguồn cơ sở dữ liệu mà thẩm định viên có thể lựa chọn việc áp dụng phương pháp nào là thích hợp nhất.
2.2.1. Các bước thẩm định giá theo phương pháp dòng tiền chiết khấu
Các bước thẩm định giá theo phương pháp dòng tiền chiết khấu gồm các bước như sau:
- Bước 1. Xác định tổng quát về tài sản cần thẩm định giá và xác định giá trị thị trường hoặc phi thị trường làm cơ sở thẩm định giá.
- Bước 2. Lập kế hoạch thẩm định giá.
- Bước 3. Khảo sát thực tế, thu thập thông tin.
- Bước 4. Phân tích thông tin.
- Bước 5. Xác định giá trị tài sản cần thẩm định giá.
- Bước 6. Lập báo cáo kết quả thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá và gửi cho khách hàng, các bên liên quan.
2.2.2. Thẩm định viên thu thập và xử lý, phân tích thông tin
Hồ sơ pháp lý, tài liệu thu thập khi thực hiện thẩm định giá doanh nghiệp theo phương pháp dòng tiền chiết khấu bao gồm:
- Quyết định thành lập doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế (MST);
- Quyết định thành lập hội đồng kiểm kê;
- Báo cáo tài chính đã qua kiểm toán 5 năm liền kề trước thời điểm thẩm định giá doanh nghiệp (Nếu doanh nghiệp mới thành lập thì báo cáo tài chính từ năm thành lập đến hiện tại);
- Báo cáo tài chính tại thời điểm thẩm định giá doanh nghiệp qua kiểm toán; Bảng kê chi tiết các tài khoản kế toán tại thời điểm thẩm định giá doanh nghiệp; Báo cáo quyết toán thuế (nếu có);
- Phương án kinh doanh của doanh nghiệp giai đoạn 3 năm hoặc 5 năm tới; Phương án phân chia nguồn vốn,
- Lợi nhuận sau thuế 3 năm trước thời điểm thẩm định giá; Phương án chia cổ tức 5 năm gần nhất; Bảng kiểm kê tài sản cố định;
- Các tài liệu pháp lý khác liên quan;
- Các thông tin cần thu thập khác.
Sau khi thu thập được các thông tin cần thiết phục vụ cho quá trình thẩm định giá, thẩm định viên sẽ tiến hành xử lý thông tin thu thập được. Đối với kế hoạch kinh doanh và kế hoạch tài chính mà doanh nghiệp cung cấp, thẩm định viên sẽ tiến hành soát xét, kiểm tra tính hợp lý, khả thi mà doanh nghiệp xây dựng dựa trên các báo cáo ngành của các tổ chức uy tín cung cấp.
Đối với báo cáo tài chính mà doanh nghiệp cần thẩm định giá cung cấp, thẩm định viên tiến hành xem xét tính ổn định của doanh thu, chi phí, lợi nhuận và dòng tiền của các năm trong quá khứ. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế cho thấy, thông thường thẩm định viên sẽ sử dụng luôn thông tin mà khách hàng cung cấp mà ít khi có sự điều chỉnh và loại bỏ những thông tin với độ tin cậy không cao. Bên cạnh đó, nhiều thẩm định viên sẽ sử dụng luôn báo cáo tài chính đã được kiểm toán để tiến hành tính toán mà ít khi có sự điều chỉnh.
Trên cơ sở các thông tin thu thập được, thẩm định viên tiến hành phân tích các thông tin cơ bản về phân tích môi trường bên ngoài và môi trường bên trong và tình hình tài chính của doanh nghiệp dựa trên một số chỉ tiêu tài chính chủ yếu.
Về việc ước tính các tham số trong các mô hình thẩm định giá doanh nghiệp theo phương pháp chiết khấu dòng tiền
Các doanh nghiệp tuân thủ theo tiêu chuẩn thẩm định giá số 12 (Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 12 “Thẩm định giá doanh nghiệp” đượcBan hành kèm theo Thông tư số 28/2021/TT-BTC ngày 27 tháng 4 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính). Với các mô hình thẩm định giá doanh nghiệp khác nhau, việc ước tính các tham số trong mô hình được tiến hành theo tiêu chuẩn thẩm định giá.
2.3. Phương pháp giá giao dịch
Phương pháp giá giao dịch ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá thông qua giá giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp hoặc chuyển nhượng cổ phần thành công trên thị trường của chính doanh nghiệp cần thẩm định giá.
2.3.1 Trường hợp áp dụng phương pháp giá giao dịch
Doanh nghiệp cần thẩm định giá có ít nhất 03 giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp hoặc chuyển nhượng cổ phần thành công trên thị trường; đồng thời, thời điểm diễn ra giao dịch không quá 01 năm tính đến thời điểm thẩm định giá.
2.3.2 Nguyên tắc áp dụng
Thẩm định viên cần đánh giá, xem xét việc điều chỉnh giá các giao dịch thành công cho phù hợp với thời điểm thẩm định giá nếu cần thiết.
3. Phương pháp tài sản
Phương pháp tài sản là phương pháp ước tính giá trị của doanh nghiệp cần thẩm định giá thông qua tính tổng giá trị của các tài sản thuộc quyền sở hữu và sử dụng của doanh nghiệp cần thẩm định giá.
Việc xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ để chuyển thành công ty cổ phần bằng phương pháp tài sản được áp dụng theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa.
3.1. Nguyên tắc thực hiện
- Tài sản được xem xét trong quá trình thẩm định giá là tất cả các tài sản của doanh nghiệp, bao gồm cả tài sản hoạt động và tài sản phi hoạt động.
- Giám đốc (Tổng giám đốc) doanh nghiệp cần thẩm định giá cần phối hợp tiến hành tổ chức kiểm kê, phân loại tài sản đang sở hữu, quản lý, sử dụng (bao gồm cả quyền tài sản) kèm theo tài liệu chứng minh quyền sở hữu, sử dụng tài sản để phục vụ cho việc thẩm định giá; đồng thời, hỗ trợ thẩm định viên khảo sát hiện trạng tài sản của doanh nghiệp. Trường hợp thẩm định viên không được cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu nêu trên, không được hỗ trợ để khảo sát hiện trạng tài sản thì thẩm định viên đánh giá, xem xét việc đưa ra các giả thiết (nếu cần); đồng thời, đưa hạn chế này vào phần loại trừ và hạn chế của chứng thư và báo cáo cáo kết quả thẩm định giá.
- Khi thẩm định giá doanh nghiệp theo cơ sở giá trị thị trường thì giá trị các tài sản của doanh nghiệp là giá trị thị trường của tài sản đó tại thời điểm thẩm định giá. Tài sản trong sổ sách kế toán cần được thẩm định giá đúng với giá trị thị trường, một số trường hợp cá biệt được thực hiện theo hướng dẫn tại điểm 5.4.
- Tài sản vô hình không thỏa mãn các điều kiện để được ghi nhận trên sổ sách kế toán (tên thương mại, nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp…) và các tài sản khác không được ghi nhận trên sổ sách kế toán cần được áp dụng phương pháp thẩm định giá phù hợp để xác định.
- Đối với tài sản được hạch toán bằng ngoại tệ: Tỷ giá ngoại tệ áp dụng theo hướng dẫn của Chuẩn mực kế toán Việt Nam khi lập và trình bày báo cáo tài chính.
3.1. Các bước tiến hành
- Bước 1: Ước tính tổng giá trị các tài sản hữu hình và tài sản tài chính của doanh nghiệp cần thẩm định giá.
- Bước 2: Ước tính tổng giá trị các tài sản vô hình của doanh nghiệp cần thẩm định giá.
- Bước 3: Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá.
Xác định giá trị doanh nghiệp là sự ước tính với độ tin cậy cao nhất các khoản thu nhập mà doanh nghiệp có thể tạo ra trong quá trình sản xuất kinh doanh, làm cơ sở cho các hoạt động giao dịch thông thường của thị trường.
Bạn đang đọc bài viết: “Thẩm định giá doanh nghiệp là gì? Các phương pháp thẩm định giá doanh nghiệp năm 2023” tại chuyên mục tin thẩm định giá của Công ty cổ phần Thẩm định giá Thành Đô.
Liên hệ thẩm định giá: 0985 103 666 0906 020 090
Website: www.thamdinhgiathanhdo.com
-
Thẩm định giá bất động sản
-
Thẩm định giá động sản
-
Thẩm định giá trị doanh nghiệp
-
Thẩm định giá dự án đầu tư
-
Thẩm định giá tài sản vô hình
-
Thẩm định giá tài nguyên
Cùng chuyên mục
Đọc thêm
-
Thẩm định giá bất động sản
-
Thẩm định giá động sản
-
Thẩm định giá trị doanh nghiệp
-
Thẩm định giá dự án đầu tư
-
Thẩm định giá tài sản vô hình
-
Thẩm định giá tài nguyên