Rủi ro là gì? Khái niệm về rủi ro trong hoạt động thẩm định giá
(TDVC Rủi ro trong hoạt động thẩm định giá) – Rủi ro là một phạm trù xã hội, có nguồn gốc rất lâu đời và thường xuyên xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày, trong đa dạng các lĩnh vực khác nhau. Bởi tính vận động và thường xuyên thay đổi của xã hội mà rủi ro luôn có cả hình thái hiện hữu và tiềm ẩn, rủi ro tĩnh và rủi ro động. Ngày nay người ta xem xét rủi ro luôn gắn liền với các trường hợp và hoàn cảnh cụ thể. Đến nay rủi ro có thể chia thành hai trường phái chính về rủi ro là trường phái truyền thống và trường phái trung hòa.
Dưới góc độ tiếp cận đa ngành, rủi ro và quản trị rủi ro trong hoạt động thẩm định giá cần được xem xét không chỉ trong mối quan hệ đơn thuần giữa các chủ thể tham gia hợp đồng thẩm định giá mà cần nghiên cứu trong mối quan hệ nhân quả với các chủ thể khác có liên quan thông qua các giao dịch như mua bán tài sản công, thế chấp vay vốn ngân hàng, thi hành án dân sự… Hoạt động thẩm định giá là lĩnh vực có mức độ rủi ro rất cao và việc quản trị rủi ro trong các doanh nghiệp thẩm định giá ở Việt Nam chưa thực sự hiệu quả.
1. Khái niệm rủi ro
Theo quan niệm truyền thống thì rủi ro gắn liền với sự tổn thất, mất mát, không may mắn, hay là sự bất trắc xảy ra, sự cố không mong muốn,… Theo quan niệm truyền thống, Allan Willett cho rằng: “Rủi ro là sự bất trắc cụ thể liên quan đến việc xuất hiện một biến cố không mong đợi”.
Theo Từ điển Tiếng Việt nêu khái niệm “Rủi ro là điều không lành, không tốt, bất ngờ xảy đến”.
Theo từ điển Oxford nêu: “Rủi ro là khả năng gặp nguy hiểm, hoặc bị đau đớn, thiệt hại…”
Một số khái niệm khác được đề cập đến trong lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp thì: “Rủi ro là sự tổng thất về tài sản hay là sự giảm sút về lợi nhuận thực tế so với lợi nhuận dự kiến “hay “Rủi ro là những bất trắc ngoài ý muốn xảy ra trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tác động xấu đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp”.
Theo Frank H. Knight cho rằng: Rủi ro là sự không chắc chắn có thể đo lường được”.
Theo Tiến sỹ C. Arthur William cho rằng: “Rủi ro là những biến động tiềm ẩn ở kết quả. Rủi ro có thể xuất hiện trong hầu hết mọi hoạt động của đời sống loài người. Không thể dự đoán chính xác kết quả khi có rủi ro. Rủi ro xuất hiện gây nên sự biến động về kết quả khó lường trước được”.
Khi nghiên cứu về rủi ro, người ta thường gắn rủi ro với xác suất xảy ra, nguy cơ tiềm ẩn và hậu quả xảy ra. Nếu như trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp, rủi ro được quan niệm là các nhân tố ảnh hưởng tiêu cực đối với lợi nhuận kỳ vọng của doanh nghiệp thì trong lĩnh vực thẩm định giá, rủi ro được quan niệm là những nhân tố ảnh hưởng tiêu cực đối với chủ sở hữu tài sản, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên mà chủ yếu là các sai sót làm méo mó giá trị tài sản thẩm định giá.
2. Khái niệm về rủi ro trong hoạt động thẩm định giá
Trong lĩnh vực thẩm định giá tài sản, khi nói về bản chất của nó trên phương diện lý luận, người ta thường nói tới khái niệm: “Thẩm định giá tài sản là khoa học không chính xác” và “ thẩm định giá là hoạt động ước tính giá trị tài sản”. Từ khái niệm này đã cho thấy rủi ro luôn tồn tại trong hoạt động thẩm định giá bởi tính không chính xác tuyệt đối, bởi sự ước tính giá trị tài sản phụ thuộc vào điều kiện, thông tin, địa điểm, không gian, thời gian hay các nhận định của cá nhân mỗi thẩm định viên thực hiện cuộc thẩm định giá. Không những thế, mỗi thẩm định viên lại có những đánh giá và nhận định khác nhau dẫn đến kết luận về giá trị tài sản khác nhau.
Trong thẩm định giá tài sản có hai cơ sở giá trị là giá trị thị trường và giá trị phi thị trường. Việc sử dụng cơ sở giá trị nào để thẩm định giá không phải lúc nào cũng là sự lựa chọn dễ dàng đối với các thẩm định viên về giá. Nếu như trong nghiên cứu khoa học, người ta đề cập đến các quan niệm hay khái niệm về giá trị thì trong hoạt động thẩm định giá tài sản, người ta thiên về việc xác định giá trị, ước đoán mức giá, ước lượng giá hay lượng giá; hay nói một cách đơn giản đó là sự trả giá, định giá của bên mua, bên bán đối với một tài sản cụ thể nhất định. Mỗi người có một nhận định hay đánh giá khác nhau về giá trị, giá cả của một tài sản cụ thể.
Ngoài ra trong thẩm định giá có hàng loạt các biến cố thông tin nằm ngoài các hồ sơ cung cấp cho thẩm định viên, các thông tin đó khó xác định được tính chính xác. Vì thế, khi các thông tin liên quan đến tài sản thẩm định vượt quá sự hiểu biết của thẩm định viên sẽ tạo nên những rủi ro bởi sự không chắc chắn hoặc không thể kiểm chứng về thông tin.
Ở Việt Nam hiện nay là còn một số nhà nghiên cứu hay quản lý nhà nước vẫn chưa thống nhất khi bàn về định giá, thẩm định giá, xác định giá trị, ước lượng giá trị, hay các quan điểm về giá trị thị trường và giá trị phi thị trường. Việc chưa thống nhất về quan điểm hay cách hiểu nêu trên dẫn tới hình thành một số văn bản pháp luật hướng dẫn về xác định giá trị tài sản thiếu thống nhất và trở thành một nguồn rủi ro cho hoạt động thẩm định giá tài sản, vốn đã có nhiều rủi ro như bản chất vốn có của nó. Bên cạnh đó, một số người không hiểu rằng, cùng một tài sản, khi thẩm định giá phục vụ các mục đích khác nhau có thể cho các giá trị khác nhau hay mỗi một mức giá được kết luận trong Chứng thư thẩm định giá cần được phải xem xét cùng với các đặc điểm của tài sản, điều kiện và bối cảnh thị trường, điều kiện và hạn chế kèm theo trong Báo cáo kết quả thẩm định giá.
Rủi ro có tần suất lớn nhất, hậu quả gây ra thiệt hại lớn nhất trong hoạt động thẩm định giá thường bắt đầu từ những sai sót của thẩm định viên, người đại diện theo pháp luật hay giám đốc doanh nghiệp thẩm định giá. Các sai sót trong báo cáo kết quả thẩm định giá có thể phát sinh từ gian lận hoặc nhầm lẫn hay cẩu thả. Để phân biệt giữa hành vi gian lận và nhầm lẫn cẩu thả, cần phải xem xét xem hành vi dẫn đến sai sót trong báo cáo kết quả thẩm định giá là cố ý hay vô ý. Tuy nhiên các hành vi gian lận đó đã hoặc có nhiều khả năng làm sai lệch kết quả thẩm định giá.
Hành vi gian lận trong hoạt động thẩm định giá ở Việt Nam hiện nay đang diễn ra khá phổ biến, là những rủi ro rất lớn cho chính bản thân thẩm định viên, người đại diện theo pháp luật hay giám đốc doanh nghiệp thẩm định giá. Hành vi gian lận trong hoạt động thẩm định giá có một số đặc điểm sau đây:
Một là, hành vi gian lận trong hoạt động thẩm định giá dù có mục đích tư lợi hay không thì đều có liên quan đến động cơ hoặc áp lực phải thực hiện hành vi gian lận, hoặc có một cơ hội rõ ràng để thực hiện hành vi gian lận.
Hai là, việc lập báo cáo kết quả thẩm định giá gian lận có liên quan đến các sai sót cố ý như cố ý bỏ sót số liệu hoặc thông tin để lừa dối người sử dụng báo cáo kết quả thẩm định giá.
Ba là, Việc lập báo cáo kết quả thẩm định giá gian lận có được thực hiện thông qua các hành vi sau:
- Bóp méo thông tin thị trường, ngụy tạo thông tin thị trường, ghi nhận không đúng thông tin tài sản thẩm định giá, ngụy tạo biên bản khảo sát hiện trạng, hoặc nhận định không đúng về thị trường, điều kiện kinh tế – xã hội, hay các yếu tố khác.
- Sử dụng thông tin giá được người liên quan cung cấp có mục đích hướng kết quả thẩm định giá mà không thực hiện thu nhập, phân tích và kiểm chứng thông tin thị trường một cách khách quan độc lập.
- Sử dụng các phương pháp thẩm định giá không tuân thủ đầy đủ theo hướng dẫn của các tiêu chuẩn thẩm định giá;
- Cố ý sử dụng các thông tin không phù hợp để làm sai lệch kết quả thẩm định giá
- Cố ý sửa chữa, thay đổi số liệu trong báo cáo kết quả thẩm định giá để đạt được kết quả thẩm định giá như ý muốn.
Từ những phân tích trên cho thấy, rủi ro trong hoạt động thẩm định giá tài sản là sự không chắc chắn có thể nảy sinh trong toàn bộ quy trình thẩm định giá. Mức độ rủi ro này có thể đo lường được bằng định lượng tương đối, có thể ảnh hưởng hoặc không ảnh hưởng đến kết quả thẩm định giá. Hoạt động thẩm định giá tài sản chủ yếu là việc tuân thủ các tiêu chuẩn thẩm định giá, vì thế, phần lớn rủi ro cũng phát sinh từ việc không tuân thủ hoặc tuân thủ không đầy đủ các tiêu chuẩn thẩm định giá. Chúng ta có thể hiểu rằng, rủi ro trong hoạt động thẩm định giá là những gì thẩm định viên không chắc chắn có ảnh hưởng đến kết quả thẩm định giá.
Theo Tiến sỹ Lê Minh Toán – Bộ tài Chính – Cục quản lý giá
Bạn đang đọc bài viết: “Rủi ro là gì? Khái niệm về rủi ro trong hoạt động thẩm định giá” tại chuyên mục Tin Thẩm định giá của Công ty cổ phần Thẩm định giá Thành Đô, đơn vị thẩm định giá uy tín hàng đầu tại Việt Nam.
Liên hệ thẩm định giá: 0985 103 666 0906 020 090
Website: www.thamdinhgiathanhdo.com
-
Thẩm định giá bất động sản
-
Thẩm định giá động sản
-
Thẩm định giá trị doanh nghiệp
-
Thẩm định giá dự án đầu tư
-
Thẩm định giá tài sản vô hình
-
Thẩm định giá tài nguyên
Cùng chuyên mục
Đọc thêm
-
Thẩm định giá bất động sản
-
Thẩm định giá động sản
-
Thẩm định giá trị doanh nghiệp
-
Thẩm định giá dự án đầu tư
-
Thẩm định giá tài sản vô hình
-
Thẩm định giá tài nguyên