Mục đích và vai trò thẩm định dự án đầu tư
(TDVC Vai trò thẩm định dự án đầu tư) – Đất nước ta đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế vô cùng mạnh mẽ và sôi động. Tìm hiểu thị trường và đi đến quyết định đầu tư dự án luôn là một trong những quyết định quan trọng trong đối với các nhà đầu tư hiện nay.
Thẩm định giá trị dự án đầu tư được cơ quan quản lý, nhà đầu tư, các tổ chức tài chính, doanh nghiệp vô cùng quan tâm, việc thẩm định dự án đầu tư giúp họ có những quyết định đúng đắn trong việc đầu tư tài trợ vào các dự án. Vì vậy thẩm định dự án đầu tư có vai trò vô cùng quan trọng trong kinh tế – xã hội phục vụ nhiều mục đích cho các bên liên quan.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
1. Đầu tư là gì?
Hoạt động đầu tư là quá trình sử dụng các nguồn lực về tài chính, lao động, tài nguyên thiên nhiên và các tài sản vật chất khác nhằm trực tiếp hoặc gián tiếp tái sản xuất giản đơn và tái sản xuất mở rộng các cơ sở vật chất kỹ thuật của nền kinh tế. Xuất phát từ phạm vi phát huy tác dụng của các kết quả đầu tư, có thể có những cách hiểu khác nhau về đầu tư.
- Đầu tư theo nghĩa rộng là sự hy sinh các nguồn lực ở hiện tại để tiến hành các hoạt động nào đó nhằm thu về cho người đầu tư các kết quả nhất định trong tương lai lớn hơn các nguồn lực đã bỏ ra để đạt được các kết quả đó. Nguồn lực có thể là tiền, là tài nguyên thiên nhiên, là sức lao động và trí tuệ. Các kết quả đạt được có thể là sự tăng thêm các tài sản tài chính, tài sản vật chất, tài sản trí tuệ và nguồn lực.
- Đầu tư theo nghĩa hẹp chỉ bao gồm những hoạt động sử dụng các nguồn lực ở hiện tại nhằm đem lại cho nền kinh tế – xã hội những kết quả trong tương lai lớn hơn các nguồn lực đã sử dụng để đạt được các kết quả đó.
Từ đó ta có khái niệm về đầu tư: Đầu tư là hoạt động sử dụng các nguồn lực tài chính, nguồn lực vật chất, nguồn lực lao động và trí tuệ để sản xuất kinh doanh trong một thời gian tương đối dài nhằm thu về lợi nhuận và lợi ích kinh tế xã hội.
2. Dự án đầu tư
Theo luật đầu tư thì dự án đầu tư là tập hợp các đề xuất bỏ vốn trung và dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định. Như vậy dự án đầu tư có thể xem xét từ nhiều góc độ khác nhau:
- Về mặt hình thức nó là một tập hợp hồ sơ tài liệu trình bày một cách chi tiết và có hệ thống các hoạt động và chi phí theo một kế hoạch để đạt được những kết quả và thực hiện được những mục tiêu nhất định trong tương lai.
- Trên góc độ quản lý, dự án đầu tư là một công cụ quản lý sử dụng vốn, vật tư, lao động để tạo ra các kết quả tài chính, kinh tế – xã hội trong một thời gian dài.
- Trên góc độ kế hoạch, dự án đầu tư là một công cụ thể hiện kế hoạch chi tiết của một công cuộc đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế – xã hội, làm tiền đề cho cho các quyết định đầu tư và tài trợ.
- Về mặt nội dung, dự án đầu tư là một tập hợp các hoạt động có liên quan với nhau được kế hoạch hoá nhằm đạt các mục tiêu đã định bằng việc tạo ra các kết quả cụ thể trong một thời gian nhất định, thông qua việc sử dụng các nguồn lực xác định.
3. Vai trò của thẩm định dự án đầu tư
Việc thẩm định dự án nhằm đánh giá tính khả quan triển khai thực hiện dự án, hiệu quả của dự án; đánh giá tính hợp lý, hợp pháp, hợp lệ của dự án, không bỏ sót dự án tốt và lược bỏ ngăn chặn những dự án xấu ảnh hưởng đến kinh tế xã hội.
3.1. Vai trò thẩm định dự án đối với Nhà nước:
Việc thẩm định dự án có vai trò rất quan trọng đối với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, giúp cho cơ quan nhà nước đưa ra quyết định cuối cùng về việc ra quyết định đầu tư vào dự án, chấp thuận sử dụng vốn của nhà nước đối với dự án hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án cụ thể như sau:
- Giúp nhà nước xác định được những thuận lợi, không thuận lợi của dự án để đưa ra các biện pháp khai thác, khống chế, đảm bảo lợi ích quốc gia, pháp luật với quy ước quốc tế
- Giúp nhà nước kiểm tra, kiểm soát dự án có tuân thủ đầy đủ theo pháp luật hay không, ngăn chặn được những dự án xấu và không bỏ sót dự án tốt.
- Giúp Nhà nước đánh giá được tính hiệu quả, khả thi và hợp lý của dự án trên góc độ toàn bộ nền kinh tế – xã hội
3.2. Vai trò thẩm định dự án đối với các tổ chức tài chính:
Bao gồm ngân hàng, các quỹ đầu tư, các quỹ tài chính của các tổ chức quốc tế…với chức năng là những tổ chức có thể cung cấp và hỗ trợ vốn đầu tư cho dự án. Thẩm định dự án là một khâu quan trọng trong giai đoạn chuẩn bị cho vay, có ý nghĩa quyết định tới các giai đoạn sau của chu kỳ dự án, quyết định tài trợ hoặc cho dự án vay vốn
Việc cung cấp và hỗ trợ vốn có thể vì mục tiêu phát triển xã hội nhưng cũng có khi không đơn thuần vì mục tiêu kinh tế. Việc cung cấp hỗ trợ vốn cho dự án của các tổ chức tài chính cũng là đầu tư để sinh lời. Vì vậy việc thẩm định dự án trước khi cung cấp vốn cho dự án là rất quan trọng bởi lẽ:
- Các tổ chức tài chính đánh giá được năng lực pháp lý, năng lực tài chính, trình độ, tình hình sản xuất kinh doanh hiện tại của chủ dự án.
- Thẩm định dự án là cơ sở để các tổ chức tài chính xác định số tiền vay, thời gian cho vay và mức thu nợ hợp lý.
- Biết được khả năng sinh lời của dự án và khả năng thanh toán nợ từ đó quyết định các hình thức cho vay và mức độ cho vay đối với nhà đầu tư.
- Thẩm định dự án giúp cho các tổ chức tài chính đạt được các chỉ tiêu về an toàn và hiệu quả trong sử dụng vốn, giảm thiểu nợ xấu và hạn chế rủi ro xảy ra.
3.3. Vai trò thẩm định dự án đầu tư đối với nhà đầu tư:
Nhà đầu tư của dự án là người bỏ vốn, quản lý và hưởng lợi từ hoạt động đầu tư của dự án nên việc lựa chọn một dự án tốt, có tính khả thi giúp cho nhà đầu tư tránh được lãng phí trong đầu tư và tối đa hóa lợi nhuận mang lại từ hoạt động đầu tư dự án.
Thẩm định dự án sẽ giúp nhà đầu tư xem xét, cân nhắc những thông tin trong dự án để loại bỏ những sai sót từ đó có căn cứ để chỉnh sửa hoặc bổ sung một cách đầy đủ và lựa chọn những dự án có tính khả thi cao nhằm đưa ra quyết định đầu tư chính xác. Giúp nhà đầu tư biết được những rủi ro có thể xảy ra trong tương lai, từ đó nhà đầu tư chủ động có những giải pháp nhằm ngăn ngừa hoặc hạn chế rủi ro một cách thiết thực và có hiệu quả nhất.
4. Mục đích thẩm định dự án đầu tư
Thẩm định dự án đầu tư là việc nghiên cứu, phân tích khách quan, khoa học và toàn diện tất cả nội dung kinh tế, kỹ thuật của dự án, đặt trong mối tương quan với môi trường tự nhiên, môi trường kinh tế xã hội để quyết định đầu tư, tài trợ vốn cho dự án.
Thẩm định dự án tạo cơ sở vững chắc cho hoạt động đầu tư có hiểu quả. Các kết luận rút ra từ quá trình thẩm định là cơ sở để các đơn vị, nhà đầu tư, doanh nghiệp, cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước ra quyết định đầu tư, cho phép đầu tư hoặc tài trợ cho dự án. Mục đích thẩm định dự án đầu tư gồm:
- Đánh giá tính hợp lý của dự án: Tính hợp lý được biểu hiện một cách tổng hợp (biểu hiện trong tính hiệu quả và tính khả thi) và được biểu hiện ở từng nội dung và cách thức tính toán của dự án.
- Đánh giá tính hiệu quả của dự án: hiệu quả của dự án được xem xét trên hai phương diện, hiệu quả tài chính và hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án.
- Đánh giá tính khả thi của dự án: Đây là mục đích hết sức quan trọng trong thẩm định dự án. Một dự án hợp lý và hiệu quả cần phải có tính khả thi.
- Các chủ đầu tư trong và ngoài nước thẩm định dự án khả thi để đưa ra quyết định đầu tư.
- Các định chế tài chính (ngân hàng, tổng cục đầu tư và phát triển v.v…) thẩm định dự án khả thi để tài trợ hoặc cho vay vốn.
- Các cơ quan quản lý vĩ mô của Nhà nước (Bộ kế hoạch và Đầu tư, bộ và các cơ quan ngang bộ, uỷ ban nhân dân tỉnh, Thành phố…) thẩm định dự án khả thi để ra quyết định cho phép đầu tư hoặc cấp giấy phép đầu tư.
5. Thẩm định dự án đầu tư
Thẩm định dự án đầu tư được hiểu cơ bản chính là hoạt động thực hiện nghiên cứu, phân tích một cách khách quan, khoa học, toàn diện về tất cả các nội dung kinh tế kỹ thuật của dự án đó, việc thẩm định dự án đầu tư cũng được đặt trong mối tương quan với môi trường tự nhiên, kinh tế xã hội để nhằm mục đích có thể quyết định đầu tư cũng như tài trợ vốn cho dự án.
Thẩm định dự án đầu tư là một quá trình giải quyết các công việc sau:
- Rà soát lại toàn bộ nội dung dự án đã được lập có đầy đủ hay không?
- So sánh một cách có hệ thống các chỉ tiêu của dự án với các tiêu chuẩn mà nhà đầu tư kỳ vọng;
- Kết luận dự án có được đầu tư hay không?
Thẩm định dự án đầu tư đòi hỏi chủ thể phải có nhiều năm kinh nghiệm, chuyên môn cao, trải qua một quá trình đào tạo lâu dài hoặc phải trải qua quá trình tìm hiểu về dự án đầu tư..
Bạn đang đọc bài viết: “Mục đích và vai trò thẩm định dự án đầu tư” tại chuyên mục tin thẩm định giá của Công ty cổ phần Thẩm định giá Thành Đô.
Liên hệ thẩm định giá: 0985 103 666 0906 020 090
Website: www.thamdinhgiathanhdo.com