Thẩm định viên về giá? Điều kiện hành nghề thẩm định viên về giá
(TDVC Thẩm định viên về giá) – Thẩm định giá là việc cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá trị bằng tiền của các loại tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự phù hợp với giá thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định, phục vụ cho mục đích nhất định theo tiêu chuẩn thẩm định giá. Theo khoản 15 Điều 4 Luật giá 2012 quy định. Quá trình tiến hành thẩm định giá do thẩm định viên về giá thực hiện. Thẩm định viên là người giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xác định giá trị tài sản thẩm định giá một cách độc lập, minh bạch phục vụ nhiều mục đích cho các bên liên quan. Thẩm định viên phải là người có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, khách quan khi tiến hành thẩm định giá, đáp ứng các tiêu chuẩn của thẩm định viên về giá quy định tại Luật Giá và các văn bản hướng dẫn.
|
1. Tiêu chuẩn thẩm định viên về giá.
Theo Điều 34 Luật giá 2012 để được cấp thẻ thẩm định viên về giá hành nghề trong lĩnh vực giá thì tiêu chuẩn thẩm định viên về giá phải có các điều kiện sau:
(1). Có năng lực hành vi dân sự.
(2). Có phẩm chất đạo đức, liêm khiết, trung thực, khách quan.
(3). Có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học chuyên ngành vật giá, thẩm định giá và các ngành gồm: Kinh tế, kinh tế – kỹ thuật, kỹ thuật, luật liên quan đến nghiệp vụ thẩm định giá do các tổ chức đào tạo hợp pháp ở Việt Nam hoặc nước ngoài cấp.
(4). Có thời gian công tác thực tế theo chuyên ngành đào tạo từ 36 (ba mươi sáu) tháng trở lên tính từ ngày có bằng tốt nghiệp đại học theo chuyên ngành quy định tại Khoản 3 Điều này.
(5). Có Chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá do cơ quan, tổ chức có chức năng đào tạo chuyên ngành thẩm định giá cấp theo quy định của Bộ Tài chính, trừ các trường hợp sau:
a) Người đã có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học trong nước hoặc nước ngoài về chuyên ngành vật giá, thẩm định giá;
b) Người đã có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học ngành kinh tế, kinh tế – kỹ thuật, kỹ thuật, luật liên quan đến nghiệp vụ thẩm định giá và đã có bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành thẩm định giá.
(6). Có Thẻ thẩm định viên về giá do Bộ Tài chính cấp.
2. Thẻ thẩm định viên về giá
1. Công dân Việt Nam có đủ các điều kiện dự thi theo quy định của Bộ Tài chính và đạt các yêu cầu của kỳ thi cấp Thẻ thẩm định viên về giá do Bộ Tài chính tổ chức thì được Bộ Tài chính cấp Thẻ thẩm định viên về giá.
2. Người có chứng chỉ hành nghề thẩm định giá của nước ngoài được Bộ Tài chính Việt Nam công nhận, có đủ các tiêu chuẩn thẩm định viên về giá và đạt kỳ thi sát hạch bằng tiếng Việt về pháp luật Việt Nam liên quan đến nghiệp vụ thẩm định giá do Bộ Tài chính quy định thì được Bộ Tài chính cấp Thẻ thẩm định viên về giá.
3. Điều kiện hành nghề thẩm định viên về giá
Theo Điều 35 Luật giá 2012 điều kiện Thẩm định viên về giá hành nghề gồm
(1). Thẩm định viên về giá hành nghề là người đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 34 của Luật Giá đăng ký hành nghề thẩm định giá tại doanh nghiệp thẩm định giá.
(2). Quyền và nghĩa vụ của Thẩm định viên về giá hành nghề tại doanh nghiệp thẩm định giá được quy định tại Điều 37 của Luật Giá.
4. Những người không được hành nghề tại doanh nghiệp thẩm định giá.
Theo Điều 36 Luật giá 2012 Những người không được hành nghề tại doanh nghiệp thẩm định giá bao gồm:
(1). Người không đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 34 của Luật này.
(2). Cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân.
(3). Người đang bị cấm hành nghề thẩm định giá theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đã bị kết án một trong các tội về kinh tế, chức vụ liên quan đến tài chính, giá, thẩm định giá mà chưa được xóa án tích; người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người đang bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.
(4). Người đã bị kết án về tội kinh tế từ nghiêm trọng trở lên.
(5). Người có hành vi vi phạm pháp luật về tài chính bị xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày có quyết định xử phạt.
(6). Người đang bị đình chỉ hành nghề thẩm định giá.
5. Quyền và nghĩa vụ hành nghề thẩm định viên
Theo Điều 37 Luật giá 2012 Quyền và nghĩa vụ của thẩm định viên về giá hành nghề
5.1. Quyền
a) Hành nghề thẩm định giá theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
b) Độc lập về chuyên môn nghiệp vụ;
c) Yêu cầu khách hàng cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến tài sản thẩm định giá và tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện thẩm định giá;
d) Từ chối thực hiện thẩm định giá nếu xét thấy không đủ điều kiện thực hiện thẩm định giá;
đ) Tham gia tổ chức nghề nghiệp về thẩm định giá trong nước và ngoài nước theo quy định của pháp luật;
e) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
5.2. Nghĩa vụ
a) Tuân thủ quy định về hoạt động thẩm định giá theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
b) Thực hiện đúng và đầy đủ hợp đồng thẩm định giá;
c) Ký báo cáo kết quả thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá và chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc doanh nghiệp thẩm định giá về kết quả thẩm định giá;
d) Giải trình hoặc bảo vệ kết quả thẩm định giá do mình thực hiện với khách hàng thẩm định giá hoặc bên thứ ba sử dụng kết quả thẩm định giá không phải là khách hàng thẩm định giá nhưng có ghi trong hợp đồng thẩm định giá khi có yêu cầu;
đ) Tham gia các chương trình bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về thẩm định giá do cơ quan, tổ chức được phép tổ chức;
e) Lưu trữ hồ sơ, tài liệu về thẩm định giá;
Thẩm định viên về giá có nghĩa vụ lưu trữ hồ sơ tài liệu thẩm định giá tài sản do mình thực hiện tối thiểu trong thời gian 10 năm kể từ ngày công bố chứng thư thẩm định giá. Trường hợp thẩm định viên về giá chuyển đi nơi khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm trước khách hàng và pháp luật về tính pháp lý của toàn bộ tài liệu, số liệu, kết quả thẩm định giá trong hồ sơ đã bàn giao trong thời gian lưu trữ theo quy định.
g) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
6. Những quy tắc đạo đức hành nghề thẩm định giá tài sản
Thẩm định viên về giá khi hành nghề phải tuân thủ quy tắc nghề thẩm định giá do Nhà nước hoặc các tổ chức nghề nghiệp quy định. Phải có đạo đức nghề nghiệp, đó là sự trung thực, sự công bằng, đảm bảo bí mật và không gây ra mâu thuẫn về lợi ích khách hàng. Bộ tài chính đã ban hành “Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 01: 158/2014/TT-BTC do Bộ tài chính cấp ngày 27 tháng 10 năm 2014 về những quy tắc đạo đức hành nghề thẩm định giá” là một trong các tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam được ban hành. Theo đó:
Người đại diện theo pháp luật, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc doanh nghiệp thẩm định giá chịu trách nhiệm cuối cùng về tính đúng đắn, trung thực, khách quan của kết quả thẩm định giá trước pháp luật, khách hàng và bên thứ ba có liên quan do khách hàng thẩm định giá xác định và được doanh nghiệp thẩm định giá thống nhất ghi trong hợp đồng thẩm định giá.
7. Các hành vi thẩm định viên không được thực hiện
a) Hành nghề thẩm định giá với tư cách cá nhân;
b) Đăng ký hành nghề thẩm định giá trong cùng một thời gian cho từ hai doanh nghiệp thẩm định giá trở lên;
c) Thực hiện thẩm định giá cho đơn vị được thẩm định giá mà thẩm định viên về giá có quan hệ về góp vốn, mua cổ phần, trái phiếu hoặc có bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột là thành viên trong ban lãnh đạo hoặc kế toán trưởng của đơn vị được thẩm định giá.
Thẩm định viên, doanh nghiệp thẩm định giá phải thực hiện công việc thẩm định giá theo những kỹ thuật và tiêu chuẩn chuyên môn đã quy định trong hệ thống Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam và các quy định khác của pháp luật có liên quan hiện hành.
Thẩm định viên, doanh nghiệp thẩm định giá có quyền thuê các tổ chức, cá nhân tư vấn có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành để thực hiện tư vấn và đưa ra các kết luận chuyên môn phục vụ cho hoạt động thẩm định giá.
Thẩm định giá là một dịch vụ tư vấn tài chính không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường, xuất phát từ nhu cầu khách quan về việc xác định giá trị của tài sản; trên cơ sở đó các bên tham gia giao dịch có thể thỏa thuận với nhau về tài sản, giúp các giao dịch về tài sản thành công, đảm bảo lợi ích chính đáng các bên. Thẩm định giá tài sản góp phần làm minh bạch thị trường thúc đẩy sự phát triển hiệu quả của thị trường. Thẩm định giá viên về giá có vai trò xác định giá trị tài sản của nhiều đối tượng chính xác, độc lập, khách quan, và có đạo đức nghề nghiệp phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Việc thẩm định giá đúng giá trị tài sản giúp cho các hoạt động kinh tế trở nên hiệu quả và mang lại lợi ích cho các chủ thể tham gia quan hệ kinh tế.
Bạn đang đọc bài viết: “Thẩm định viên về giá? Điều kiện hành nghề thẩm định viên về giá” tại chuyên mục tin thẩm định giá của Công ty cổ phần Thẩm định giá Thành Đô, đơn vị thẩm định giá tài sản hàng đầu tại Việt Nam.
Liên hệ thẩm định giá: 0985 103 666 0906 020 090
Website: www.thamdinhgiathanhdo.com