Thúc xử lý nợ xấu hiệu quả hơn
NHNN vừa ban hành Thông 32/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2013/TT-NHNN về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC. Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với LS.TS. Bùi Quang Tín để tìm hiểu những quy định mới sẽ tác động ra sao đối với hoạt động mua bán nợ của VAMC trong thời gian tới.
Theo ông vì sao trong Thông tư này, NHNN lại đưa quy định cấm chia cổ tức bằng tiền mặt khi chưa tất toán nợ tại VAMC?
Tại Thông tư 32 có quy định, TCTD bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt (TPĐB) không được chia cổ tức bằng tiền mặt cho đến khi TPĐB được thanh toán; TCTD bán nợ nhận TPĐB có thời hạn trên 5 năm hoặc TCTD được NHNN chấp thuận việc gia hạn thời hạn TPĐB không được chia cổ tức để tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi TPĐB có thời hạn trên 5 năm hoặc TPĐB đã gia hạn được thanh toán.
Thực tế là không phải đến khi NHNN ban hành Thông tư này mới có yêu cầu trên đối với các ngân hàng. Mà trước đó, NHNN cũng đã nêu nội dung trên tại Dự thảo Thông tư này khi lấy ý kiến và cũng đã có văn bản nhắc nhở các ngân hàng lưu ý đến vấn đề không được chia cổ tức bằng tiền mặt khi chưa xử lý xong nợ xấu tại VAMC.
Dù có ý kiến trái chiều, nhưng việc kiên định áp dụng quy định trên tại Thông tư 32 cho thấy NHNN quyết liệt hơn trong hoạt động xử lý nợ xấu. Việc không phải chia cổ tức bằng tiền mặt giúp cho ngân hàng giữ được lợi nhuận, bổ sung vốn tự có nâng cao năng lực tài chính, có thêm nguồn lực để phối hợp với VAMC xử lý nợ xấu tốt hơn.
Dù VAMC là cơ quan chuyên nghiệp xử lý nợ xấu, nhưng đơn vị này không đủ lực lượng, nhân lực để tìm hiểu từng ngõ ngách của món nợ xấu. Theo tôi, hơn ai hết ngân hàng họ hiểu rõ khoản nợ xấu cũng như khách hàng vướng nợ xấu đang trong tình trạng như thế nào. Muốn xử lý triệt để và hiệu quả, chính ngân hàng bán nợ xấu phải giải quyết một cách rốt ráo trực tiếp đối với khách hàng của mình. Bởi, xử lý nợ xấu không chỉ là việc thu tiền về là giải quyết dứt điểm khoản nợ vay đó mà còn phải có cách thức giải pháp xử lý từng trường hợp, đảm bảo thấu tình đạt lý cho cả hai bên thì mới thực sự có hiệu quả. Có thể thấy, khi NHNN đưa ra quy định này chính là với mong muốn đạt hiệu quả cao nhất để vừa tạo thuận lợi cho ngân hàng, người đang mắc nợ xấu vừa giảm tải áp lực cho VAMC.
Còn với quy định cho phép mua bán nợ bằng ngoại tệ có tác động thế nào đối với hoạt động mua bán nợ xấu của VAMC?
Việc cho phép mua bán nợ xấu bằng ngoại tệ giúp các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) tham gia mua bán thuận lợi hơn thay vì chỉ mua bằng VND rồi chuyển đổi qua ngoại tệ có thể sẽ phải chịu rủi ro tỷ giá. Tôi nghĩ, đây là cách thức từ từ để hàng hoá (nợ xấu – pv) lưu thông trên thị trường thứ cấp. Khi người mua bán nợ xấu nhộn nhịp, đông vui hơn, mua bán nợ xấu chắc chắn sẽ tốt hơn.
Tất nhiên, dù cơ chế mở nhưng tại Thông tư này NHNN cũng đã bổ sung quy định về quản lý ngoại hối trong hoạt động mua, bán nợ của VAMC yêu cầu các thành viên tham gia phải tuân thủ các quy định của pháp luật về hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam khi thực hiện mua, bán nợ và thu hồi khoản nợ được mua.
Hiện tại, việc xử lý nợ xấu qua mua bán nợ theo giá thị trường của VAMC có vẻ đang chững lại. Theo ông, nguyên nhân do đâu?
Bất kỳ công ty mua bán nợ xấu nào thì đều cần có nguồn lực tài chính mạnh, VAMC cũng không ngoại lệ. Hiện tại, VAMC cũng đang cần được bổ sung vốn nhằm có đủ tiềm lực tài chính để thực hiện mua, bán nợ nhất là mua, bán nợ theo giá trị thị trường. Cái vướng nữa cũng rất quan trọng đó là thể chế chính sách.
Thực sự, đối với các DN, đặc biệt là DNNN họ thường lo giới hạn về thể chế nhiều hơn. Khi có được cơ chế chính sách thông thoáng, quy định pháp luật rõ ràng, họ có thể gọi vốn từ nhiều nguồn khác nhau chứ không chỉ trông chờ từ ngân sách nhà nước. Vì như bạn biết vốn từ ngân sách luôn hạn chế. Hiện tại, các vướng mắc về thể chế đang từ từ được tháo gỡ, cùng với nguồn lực tài chính được tăng cường, tôi nghĩ mua bán nợ xấu của VAMC sẽ hiệu quả hơn. Lúc này tôi nghĩ VAMC đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng như vừa là cơ quan điều phối, vừa là đơn vị hỗ trợ đưa ra cơ chế, tư vấn cho cơ quan chủ quản, vừa cùng lúc kinh doanh được nợ xấu…
Có thể nói, về hình thức việc VAMC trở thành trung tâm mua bán nợ chắc chắn sẽ làm được. Nhưng mức độ hiệu quả đến đâu còn phụ thuộc vào cơ chế vận hành nội bộ của VAMC ra sao, cùng với sự hỗ trợ của cơ quan chủ quản, bộ ban ngành liên quan thế nào.
Xin cảm ơn ông!
Theo thoibaonganhang
Bạn đang đọc bài viết: “Thúc xử lý nợ xấu hiệu quả hơn” tại chuyên mục tin Doanh nghiệp & kinh doanh của Công ty cổ phần Thẩm định giá Thành Đô.
Liên hệ thẩm định giá: 0985 103 666 0906 020 090 Website: www.thamdinhgiathanhdo.com |
-
Thẩm định giá bất động sản
-
Thẩm định giá động sản
-
Thẩm định giá trị doanh nghiệp
-
Thẩm định giá dự án đầu tư
-
Thẩm định giá tài sản vô hình
-
Thẩm định giá tài nguyên
Cùng chuyên mục
Đọc thêm
-
Thẩm định giá bất động sản
-
Thẩm định giá động sản
-
Thẩm định giá trị doanh nghiệp
-
Thẩm định giá dự án đầu tư
-
Thẩm định giá tài sản vô hình
-
Thẩm định giá tài nguyên