[Trước thềm 2020] Quy mô và bảng xếp hạng tổng tài sản của các ngân hàng hiện nay ra sao?
11 ngân hàng đã có tổng tài sản đạt trên 10 triệu USD, nhưng cũng còn gần 15 nhà băng tổng tài sản chưa nổi 100 nghìn tỷ đồng. Trong gần 1 thập kỷ qua, thứ hạng về quy mô của các nhà băng đã có sự thay đổi đáng kể.
Năm 2020 đang đến gần, đây được xem là mốc thời gian có ý nghĩa lớn với hệ thống ngân hàng. Với nhiều nhà băng, đây là năm cuối cùng kết thúc giai đoạn tái cơ cấu xử lý nợ xấu được đề ra từ cách đây 5 năm. Năm 2020 cũng là hạn cuối cùng để 10 ngân hàng thuộc diện thí điểm phải đáp ứng được tiêu chuẩn Basel II tại Thông tư 41/2016-TT-NHNN. 2020 cũng là thời điểm để các ngân hàng bước vào cuộc đua mới, với những mục tiêu xa hơn như niêm yết tại thị trường quốc tế.
Nhìn lại suốt gần 1 thập kỷ qua, từ giai đoạn hoạt động ngân hàng phát triển mạnh mẽ, lao dốc vì nợ xấu cho đến quá trình bắt tay tái cơ cấu; vị thế của các ngân hàng trong hệ thống đã có nhiều sự thay đổi lớn.
Khi xét đến quy mô, theo thống kê của NHNN, tổng tài sản của hệ thống TCTD cuối tháng 4/2019 đã lên tới 11,21 triệu tỷ đồng. Con số này so với cách đây 10 năm ước tính đã tăng hơn 4 lần.
Còn theo thống kê của chúng tôi đến thời điểm 30/6/2019, tổng tài sản của 29 ngân hàng thương mại (chưa kể 3 ngân hàng “0 đồng” và DongABank, PVcombank, BaoVietBank) đạt hơn 9,6 triệu tỷ đồng.
11 ngân hàng có tổng tài sản trên 10 triệu USD
Trong đó, 4 ngân hàng thương mại nhà nước (BIDV, Agribank, Vietcombank, VietinBank) đều đãvượt 1 triệu tỷ. Riêng BIDV, Agribank đã cán mốc này từ năm2016; VietinBank năm 2017 và Vietcombank là vừa mới năm 2018.
Tổng tài sản của 4 ngân hàng này đạt trên 5 triệu tỷ đồng, tăng gần 4 lần trong vòng 10 năm và chiếm đến gần 45% tổng tài sản của cả hệ thống TCTD. So với cách đây chục năm, sự ảnh hưởng của 4 nhà băng này tới quy mô tín dụng, quy mô tiền gửi của nền kinh tế vẫn ở một vị thế mà các ngân hàng tư nhân khó có thể thay thế được.
Ngoài 4 ngân hàng nói trên, có 7 ngân hàng khác cũng đã có tài sản đạt trên 10 triệu USD (tương đương trên 232.000 tỷ đồng), lần lượt là SCB, Sacombank, MBBank, Techcombank, ACB, SHB và VPBank.
Trong đó, SCB tuy là ngân hàng tư nhân có tổng tài sản lớn nhất, đạt trên 530 nghìn tỷ đồng nhưng cũng mới chỉ bằng khoảng một nửa so với 4 “ông lớn”. Theo sau, Sacombank và MBBank lần lượt có tổng tài sản là hơn 402 nghìn tỷ và 439 nghìn tỷ. 4 ngân hàng còn lại đều có tổng tài sản trên 300 nghìn tỷ.
HDBank đang có tổng tài sản hơn 210.000 nghìn tỷ đồng. Nếu duy trì đà phát triển như hiện nay, ngân hàng này cũng sẽ sớm gia nhập vào “câu lạc bộ” tài sản 10 triệu USD trong hệ thống trong thời gian tới.
Đơn vị: tỷ đồng, (*) Agribank: tháng 7/2019
Cả hệ thống có 35 ngân hàng thương mại, nhưng sự phân hóa quy mô là rất lớn. Ở thời điểm hiện tại, vẫn còn khoảng gần 15 ngân hàng có tổng tài sản dưới 100.000 tỷ đồng. Những ngân hàng như Saigonbank, PGBank chỉ vỏn vẹn hơn 21.000 tỷ và 28.000 tỷ, tức chỉ bằng 1/65 lần so với ngân hàng lớn nhất.
Top 10 đã có sự thay đổi ngoạn mục như thế nào?
Trong vòng gần 10 năm qua, bảng xếp hạng tổng tài sản của các ngân hàng đã có sự thay đổi đáng kể. Có những cái tên đã biến mất sau giai đoạn M&A nở rộ và có những ngân hàng bất ngờ vụt lên thứ hạng cao sau sáp nhập.
Xét riêng trong top 10 ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất cũng đã cho thấy điều này. Vào thời điểm đầu năm 2010, 10 nhà băng lớn nhất lúc đó lần lượt là Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank, ACB, Sacombank, Techcombank, MBBank, Eximbank và SCB.
Cuối năm 2009, tổng tài sản của Agribank lúc đó là hơn 480 nghìn tỷ đồng, bỏ khá xa BIDV với chỉ gần 300 nghìn tỷ. Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, BIDV đã chính thức vượt Agribank khi cán mốc 1,3 triệu tỷ đồng.
Số liệu: BCTC Hợp nhất các ngân hàng cuối năm 2009, đơn vị: tỷ đồng
SCB từ vị trí chót bảng đã nhảy vọt lên làm ngân hàng tư nhân có tổng tài sản lớn nhất (thay thế cho ACB). Sở dĩ có bước chuyển mình đột ngột này là do năm 2011, NHNN cho phép hợp nhất tự nguyện 3 ngân hàng SCB, Ficombank, TinNghiaBank.
VPBank từ một ngân hàng chỉ với tổng tài sản hơn 27.000 tỷ đồng vào năm 2010 đã nhanh chóng tăng trưởng vượt bậc để leo lên Top 10. Eximbank từ vị trí thứ 9 lại tụt dốc xuống thứ 14.
Trong top 10 ngân hàng, VPBank cũng là nhà băng có tăng trưởng quy mô nhanh nhất trong 10 năm qua (tổng tài sản tăng hơn 12,5 lần). Trong khi đó có những ngân hàng như Agribank, ACB tăng trưởng chậm hơn nhiều, chỉ tăng lần lượt 2,7 và 2,1 lần trong 1 thập kỷ.
Mỗi ngân hàng đều có câu chuyện riêng trong quá trình phát triển suốt 10 năm qua, và sự xáo trộn vị thế của các nhà băng là điều đương nhiên. Sự xáo trộn này trong thời gian tới có lẽ sẽ còn tiếp diễn, bởi ở thời điểm hiện tại, lợi thế cũng như khó khăn của riêng ngân hàng đã có sự khác biệt.
Nhiều ngân hàng lớn sẽ buộc phải tăng trưởng chậm lại do vướng mắc về nợ xấu, hạn chế vốn. Trong khi những ngân hàng tư nhân có tiềm lực vốn điều lệ mạnh, hướng đi mới và khác biệt sẽ ngày càng bứt phá.
Hải Vân
Theo Trí thức trẻ
-
Thẩm định giá bất động sản
-
Thẩm định giá động sản
-
Thẩm định giá trị doanh nghiệp
-
Thẩm định giá dự án đầu tư
-
Thẩm định giá tài sản vô hình
-
Thẩm định giá tài nguyên
Cùng chuyên mục
Đọc thêm
-
Thẩm định giá bất động sản
-
Thẩm định giá động sản
-
Thẩm định giá trị doanh nghiệp
-
Thẩm định giá dự án đầu tư
-
Thẩm định giá tài sản vô hình
-
Thẩm định giá tài nguyên