Cần có khung pháp lý đối với hoạt động cho vay ngang hàng
Mặc dù liên tiếp có những cảnh báo từ các cơ quan Nhà nước, hoạt động cho vay ngang hàng (P2P) vẫn phát triển rất mạnh tại Việt Nam. Do đó, việc đưa ra các quy định pháp lý cho lĩnh vực này là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay để tránh các rủi ro có thể xảy ra.
Ảnh ST
Nở rộ P2P
Số liệu thống kê cho thấy, trong 150 công ty công nghệ tài chính (fintech) tại Việt Nam, có tới khoảng 40 công ty hoạt động trong lĩnh vực cho vay. Điển hình như nền tảng công nghệ cho vay P2P Tima được thành lập vào năm 2015 với số vốn 150 tỷ đồng và bắt đầu cung cấp dịch vụ từ tháng 6/2016. Theo thông tin DN này công bố, đến nay đã có hơn 40.000 đơn vị, cá nhân cho vay và hơn 4 triệu người vay trên các nền tảng. Mỗi ngày Tima xử lý gần 5.000 đơn vay với tổng số tiền kết nối giải ngân đạt gần 4 tỷ USD. Ngoài hoạt động kết nối tài chính, Tima còn cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính cho khách hàng.
Tương tự Tima, Doctordong cung cấp các khoản vay cầm cố ngắn hạn với hạn mức từ 500.000 đến 10 triệu đồng, Vaymuon.vn cũng cung cấp khoản vay từ 1 – 10 triệu đồng và có thể vay nhanh trong vòng 30 phút. TrustCirle thì cung cấp giải pháp tiết kiệm cộng đồng với các sản phẩm như hụi an toàn, bỏ ống chung, vay nhóm. Trong khi đó, Interloan cung cấp một nền tảng kết nối giữa nhà đầu tư và người vay là cán bộ nhân viên trong các doanh nghiệp đã hợp tác. Thông qua nền tảng này, nhà đầu tư có thể cho người vay ứng lương với mức lãi suất 16,5 đến 19% một năm với các thông tin xếp hạng và chấm điểm được cung cấp bởi Interloan. Ngoài ra, còn rất nhiều cái tên khác có thể kể ra như LinkBank, Robocash, Fiin, iDong, BaGang, ATMonline… Chuyên gia tài chính – ngân hàng Cấn Văn Lực cũng dự báo, với xu thế phát triển nhanh chóng của công nghệ và sự thay đổi thói quen sử dụng dịch vụ của người dân, thời gian tới thị trường cho vay ngang hàng sẽ còn xuất hiện thêm nhiều gương mặt mới.
Đánh giá về tiềm năng của nền tảng P2P tại Việt Nam, ông Phan Đình Điền, Giám đốc Agribank chi nhánh Trung tâm Sài Gòn, đồng thời là người sáng lập Công ty fintech Rapbank cho biết, lượng tiền gửi dân cư tại các tổ chức tín dụng đến tháng 6/2019 là 4,72 triệu tỷ đồng, chưa kể vàng, bất động sản…, cho thấy người dân có nhu cầu đầu tư lớn nếu kênh đầu tư đó an toàn, minh bạch, sinh lời và hợp pháp. Ở chiều ngược lại, số lượng người dân có nhu cầu vay vốn cũng rất lớn, đặc biệt là những người ở vùng sâu, vùng xa, những người khó hoặc không chứng minh được dòng tiền với tổ chức tín dụng, công ty tài chính… mở ra cơ hội lớn cho hình thức P2P.
Trong khi đó, các nền tảng P2P tại Việt Nam hiện nay đều phát triển một cách tự phát, manh mún và đặt mục tiêu lợi nhuận càng lớn càng tốt khiến cho chi phí về phía khách hàng bị đẩy lên cao. Nhiều ứng dụng P2P còn tồn tại nhiều bất cập, khiến thị trường có cái nhìn sai lệch, ác cảm đối với các ứng dụng cho vay online. Tuy nhiên, các nền tảng P2P có lãi suất phù hợp, cung cấp thông tin đầy đủ cho các bên vẫn sẽ được thị trường chào đón.
Gấp rút quản lý
Trong bối cảnh các công ty cung cấp dịch vụ P2P liên tục phát triển như “nấm mọc sau mưa”, các chuyên gia đều cho rằng, việc xây dựng chính sách về hoạt động và khung lãi suất theo sát quy định của pháp luật nhằm đảm bảo cân bằng lợi ích cân bằng cho các bên tham gia là điều hết sức cần thiết. Kinh nghiệm tại nhiều quốc gia cho thấy, việc để cho P2P phát triển mà không được kiểm soát sẽ dẫn tới biến tướng, gây hệ luỵ xấu trong xã hội. Câu chuyện ở Trung Quốc thời gian qua chính là một ví dụ. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng đã từng đưa ra cảnh báo về việc các công ty P2P Trung Quốc chuyển địa bàn hoạt động sang Việt Nam sau khi Chính phủ nước này đưa ra những biện pháp quản lý thắt chặt, dẫn tới nguy cơ xuất hiện biến tướng, vi phạm pháp luật.
Tại một diễn đàn được tổ chức mới đây ở TPHCM, chuyên gia Cấn Văn Lực đã nhấn mạnh, với số tiền giải ngân lên tới 88.000 tỷ đồng và 4,2 triệu khách hàng của một nền tảng cho vay ngang hàng tại Việt Nam, công ty này đã có quy mô tương đương với một ngân hàng cỡ nhỏ tại Việt Nam. Tuy nhiên, quy định pháp lý cho hoạt động này hiện vẫn còn là khoảng trống. “Hàng lang pháp lý hiện vẫn chưa theo kịp xu thế. Nếu kéo dài tình trạng này, rất có thể “vết xe đổ” tương tự như Cocobay vừa qua sẽ lặp lại ở ngành tài chính – ngân hàng” – ông Lực khuyến cáo.
Theo ông Phan Đình Điền, việc thiếu quy định pháp lý dẫn tới tình trạng các hoạt động cho vay nặng lãi, tín dụng đen núp bóng cho vay ngang hàng, tạo thành mảng tối của thị trường và ảnh hưởng tới trật tự xã hội. Trước thực trạng này, Công ty fintech Rapbank cho biết sẽ xây dựng chương trình giáo dục tài chính, huấn luyện kỹ năng tài chính để nâng cao kiến thức, năng lực quyết định tài chính của người dân.
Với định hướng đó, ông Điền mong muốn có được sự hợp tác toàn diện với các ngân hàng, công ty tài chính. “Thay vì chỉ tìm kiếm khách hàng cho ngân hàng, chúng tôi có thể trở thành đơn vị tư vấn, đề xuất ngân hàng giải ngân. Với những thông tin khách hàng thu thập được, chúng tôi tin rằng có thể cải tiến quy trình cho vay tại ngân hàng, giúp ngân hàng giảm thiểu thủ tục hồ sơ nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tín dụng và hiệu quả cho vay” – ông Điền khẳng định. Ngoài ra, Rapbank cũng mong muốn trở thành đơn vị thí điểm, đồng hành cùng Ngân hàng Nhà nước xây dựng cơ chế, quy định chuẩn chỉnh để điều hành thị trường cho vay ngang hàng tại Việt Nam.
(Theo Haiquanonline)
Thẩm định giá Thành Đô Đơn, đơn vị thẩm định giá hàng đầu Việt Nam. Thẩm định giá Thành Đô vinh dự đạt chứng nhận Doanh nghiệp “Thương hiệu – nhãn hiệu độc quyền uy tín 2019” và áp dụng Tiêu chuẩn Quốc tế ISO 9001:2015 cho hệ thống quản lý chất lượng góp phần quan trọng giúp khách hàng có những quyết định chính xác trong việc kinh doanh, gọi vốn đầu tư, vay vốn ngân hàng và mua bán minh bạch trên thị trường. Thẩm định giá Thành Đô.
Bạn đang đọc bài viết: “Cần có khung pháp lý đối với hoạt động cho vay ngang hàng” tại chuyên mục Tin Doanh nghiệp & Kinh doanh của Công ty cổ phần Thẩm định giá Thành Đô. Liên hệ thẩm định giá: 0985 103 666 0906 020 090 |
-
Thẩm định giá bất động sản
-
Thẩm định giá động sản
-
Thẩm định giá trị doanh nghiệp
-
Thẩm định giá dự án đầu tư
-
Thẩm định giá tài sản vô hình
-
Thẩm định giá tài nguyên
Cùng chuyên mục
Đọc thêm
-
Thẩm định giá bất động sản
-
Thẩm định giá động sản
-
Thẩm định giá trị doanh nghiệp
-
Thẩm định giá dự án đầu tư
-
Thẩm định giá tài sản vô hình
-
Thẩm định giá tài nguyên