Ngày 25/1, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về dự thảo Nghị định quy định về tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết Luật Đất đai.
Phát biểu tại hội thảo, bà Hoàng Thị Vân Anh – Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/7/2014. Để quy định chi tiết một số điều được giao trong Luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết để có hiệu lực cùng với thời điểm của Luật Đất đai. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thi hành, góp phần đưa Luật Đất đai vào cuộc sống.
Tuy nhiên, theo bà Vân Anh hiện vẫn còn một số vướng mắc, bất cập trong việc tiếp cận đất đai thông qua hình thức thỏa thuận thuê, nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; trong xử lý đất đai đối với các trường hợp chấm dứt hoạt động dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư; trong việc giao, cho thuê các thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu được tách thửa theo quy định; trong đăng ký, cấp Giấy chứng nhận và trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Bà Vân Anh cho biết, trên thực tế, quá trình tích tụ đất đai còn khó khăn, quy mô đất còn nhỏ hẹp, không đáp ứng được nhu cầu quy mô lớn có tới 36% hộ có quy mô đất đai dưới 2km.
Bên cạnh đó, có những trường hợp doanh nghiệp không chỉ vướng chính sách mà còn vướng thi hành trên thực tế. Việc Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật liên quan đến quy hoạch, cũng cần thiết phải rà soát lại các quy định tại các nghị định quy định về việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.
Trước những khó khăn đó, bà Vân Anh khẳng định việc ban hành 2 Nghị định nêu trên là cần thiết, tạo điều kiện thúc đẩy tập trung, tích tụ đất đai và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ.
Đóng góp ý kiến vào dự thảo, ông Trương Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, Luật Nhà ở năm 2014 cho phép cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua việc “mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ”. Đây được coi là điểm mới tiến bộ đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 5 Luật Đất đai 2013, người nước ngoài không được liệt kê trong số các đối tượng có quyền sử dụng đất tại Việt Nam. Trong khi đó Khoản 1 Điều 19 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 yêu cầu “việc mua bán nhà, công trình xây dựng phải gắn với quyền sử dụng đất”.
Do đó, để giải quyết mâu thuẫn trên, Hiệp hội kiến nghị Ban soạn thảo cần thiết phải bổ sung chủ thể “cá nhân nước ngoài” là người sử dụng đất vào Điều 5 Luật Đất đai 2014, đồng thời bổ sung Mục 4 Chương XI Luật Đất đai điều khoản quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất là “cá nhân nước ngoài” để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật./.
(Theo Thời báo tài chính)
Công ty cổ phần Thẩm định giá Thành Đô, Doanh nghiệp Thẩm định giá bất động sản: thẩm định giá đất đai, nhà xưởng, khách sạn, resort tốt nhất Việt Nam. Thẩm định giá Thành Đô áp dụng Tiêu chuẩn Quốc tế ISO 9001:2015 cho hệ thống quản lý chất lượng góp phần quan trọng giúp khách hàng có những quyết định chính xác trong việc kinh doanh, gọi vốn đầu tư, vay vốn ngân hàng và mua bán minh bạch trên thị trường.Bạn đang đọc bài viết: Kiến nghị bổ sung quyền sở hữu đất của người nước ngoài vào Luật Đất đai trong chuyên mục tin Doanh nghiệp & kinh doanh của Công ty cổ phần Thẩm định giá Thành Đô.
Liên hệ thẩm định giá: 0985 103 666 0906 020 090 |