Sáng 24/3, Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 9.
Trong đó, Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng, các Bộ trưởng tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và các luật có liên quan.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Việc này phải bảo đảm căn cứ chính trị, phù hợp với thực tiễn để thống nhất trong điều chỉnh các quan hệ về đất đai, tài sản gắn liền với đất, giao dịch quyền sử dụng đất, các quy định về hợp đồng khi mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai, quản lý chặt và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai.
Cơ quan thường trực của Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ hoàn thiện chính sách điều tiết các nguồn thu từ đất, các quy định về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Các bộ, ngành có liên quan khẩn trương rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản và các văn bản pháp luật có liên quan; nhất là các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, điều kiện tham gia đấu giá.
Quy định phải nêu rõ việc xác định giá khởi điểm, tỷ lệ tiền đặt trước, tiền đặt cọc khi tham gia đấu giá, thời hạn nộp tiền trúng đấu giá, việc xử lý khi cuộc đấu giá có dấu hiệu bất thường; có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, xử lý các trường hợp trúng thầu, trúng đấu giá nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết. Cơ quan chức năng phải tiếp tục thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
Chính phủ cũng được yêu cầu quản lý chặt và sử dụng hiệu quả các chỉ tiêu sử dụng đất đã được Quốc hội thông qua, Thủ tướng đã phân bổ cho từng địa phương, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, tỷ lệ che phủ rừng và đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Việc lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp phải gắn với năng lực thực hiện; kiên quyết thu hồi đất của các nhà đầu tư hạ tầng không có năng lực, để chậm tiến độ, nhằm sử dụng có hiệu quả đất khu công nghiệp, tạo môi trường đầu tư lành mạnh.
Quy hoạch tỉnh và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng và kế hoạch sử dụng đất an ninh 5 năm 2021-2025 phải hoàn thành trước 31/12/2022.
Thường vụ Quốc hội yêu cầu công khai, minh bạch thông tin quy hoạch sử dụng đất; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nhà nước về đất đai, nhất là trong khâu lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất, “không để xảy ra tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm”.
“Kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm tình trạng lãng phí đất đai, đất được giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng, các hành vi gây ô nhiễm, làm hủy hoại đất, thoái hóa đất; hoàn thiện hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về đất đai”, nghị quyết nêu rõ.
Trước đó, Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, dự thảo nghị quyết nêu về sửa đổi Luật Đất đai và các văn bản bảo đảm tiến độ. Theo nghị quyết của Quốc hội, tháng 5 Chính phủ phải trình Quốc hội dự thảo Luật Đất đai. Tuy nhiên, tổng kết Nghị quyết 19 về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai thì “đến nay Bộ Chính trị chưa họp, chưa cho ý kiến và Ban chấp hành Trung ương cũng chưa có ý kiến về nghị quyết mới”.
Ông Ngân nhấn mạnh, khi Trung ương thông qua nghị quyết về đổi mới chính sách pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì Chính phủ sẽ có đầy đủ căn cứ chính trị để trình Quốc hội. “Vì vậy, theo chương trình của Quốc hội thì tháng 5 này Chính phủ không thể trình được Luật Đất đai (sửa đổi) do chưa đảm bảo căn cứ chính trị”, ông nói.
Theo Vnexpress
Bạn đang đọc bài viết: “Sửa quy định đấu giá quyền sử dụng đất” tại chuyên mục tin thẩm định giá của Công ty cổ phần Thẩm định giá Thành Đô.
Liên hệ thẩm định giá: 0985 103 666 0906 020 090
Website: www.thamdinhgiathanhdo.com