Định hướng quản lý nhà nước nhằm phát triển dịch vụ thẩm định giá giai đoạn 2021 – 2030
(TDVC Định hướng quản lý nhà nước phát triển thẩm định giá) – Tại hội nghị thường niên giám đốc các doanh nghiệp thẩm định giá lần thứ 5 được Bộ Tài Chính được tổ chức tại thành phố Ninh Bình ngày 16 đến 17 tháng 4 năm 2021 đã nêu định hướng quản lý nhà nước nhằm phát triển dịch vụ thẩm định giá giai đoạn 2021 – 2030.
1. Những định hướng chung
– Phát triển dịch vụ thẩm định giá tài sản ở Việt Nam đảm bảo tuân thủ quy định của hệ thống pháp luật của Nhà nước, tạo môi trường pháp lý ổn định và thuận lợi để đưa nghề thẩm định giá tài sản thành một nghề có tính chuyên nghiệp cao.
– Phát triển dịch vụ thẩm định giá tài sản ở nước ta thành công cụ hữu hiệu giúp cho thị trường tài sản trở lên công khai, minh bạch; giúp cho việc quản lý và sử dụng hiệu quả các tài sản và nguồn lực; giảm thiểu những rủi ro trong đầu tư; bảo đảm lợi ích hợp pháp và chính đáng của các bên tham gia thị trường thông qua việc xác định đúng giá trị của các tài sản.
– Tăng cường vai trò quản lý nhà nước; sự quản lý, giám sát thống nhất của Bộ Tài chính trong lĩnh vực dịch vụ thẩm định giá tài sản; nâng cao vai trò của tổ chức nghề nghiệp về thẩm định giá; tôn trọng quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, tôn trọng quyền độc lập, khách quan, trung thực trong hảnh nghề của thẩm định viên
– Phát triển dịch vụ thẩm định giá tài sản của nước ta đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, phù hợp với các nguyên tắc, thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Hội nhập khu vực và quốc tế sâu hơn trong lĩnh vực thẩm định giá tài sản.
2. Mục tiêu và các chỉ tiêu thực hiện
– Xây dựng môi trường pháp lý ổn định và thống nhất trong lĩnh vực thẩm định giá; phát triển nghề thẩm định giá theo lộ trình phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế và xã hội, bảo đảm quyền và lựi ích hợp pháp của các chủ đề tham gia nền kinh tế.
– Tăng cường và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về giá và thẩm định giá, tăng cường và củng cố hạ tầng kỹ thuật trong lĩnh vực thẩm định giá đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
– Nâng cao năng lực hoạt động thẩm định giá phù hợp yều cầu của nền kinh tế trong nước và hội nhập quốc tế.
– Phát triển đội ngũ thẩm viên về giá một cách đồng bộ và có hệ thống nhằm xây dựng đội ngũ nhân lực có kiến thức, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp; đạt được sự công nhận lẫn nhau giữa các nước trong khu vực và trên thế giới.
– Chỉ tiêu phát triển thẩm định viên về giá và doanh nghiệp thẩm định giá từng thời kỳ dự kiến như sau:
+ Giai đoạn 2021 – 2025: tập trung phát triển đội ngũ thẩm định về giá và nâng cao vị thế và uy tín của doanh nghiệp thẩm định giá, cụ thể:
Về thẩm định viên: dự kiến cả nước có thêm khoảng 900 thí sinh sẽ được cấp Thẻ thẩm định viên về giá. Nếu tính cả số lượng thẩm định viên về giá được cấp thẻ hiện hành thì sẽ có khoảng 3200 thẩm định viên.
Về doanh nghiệp thẩm định đủ điều kiện hành nghề theo quy định: tập trung vào nâng cao chất lượng hoạt động thẩm định giá tại doanh nghiệp; khuyến khích phát triển doanh nghiệp có quy mô lớn, nâng cao uy tín, cạnh tranh về chất lượng dịch vụ thẩm định giá.
+ Giai đoạn 2025 – 2030: tập trung vào chuyên môn hoá hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá, phát triển các thẩm định viên về giá có phân hạng cao.
Cả nước có thêm khoảng 900 thí sinh sẽ được cấp Thẻ thẩm định viên về giá. Nếu tính cả số lượng thẩm định viên về giá được cấp Thẻ ở giai đoạn trước đó thì sẽ có khoảng 4100 thẩm định viên về giá. Đây là giai đoạn thẩm định giá đi vào chiều sâu, chuyên môn hoá theo nhóm tài sản và nâng cao chất lượng của thẩm định viên, giúp nghề thẩm định giá phát triển bền vững
3. Các giải pháp chủ yếu
3.1. Tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về thẩm định giá
– Trước mắt, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực thẩm định giá một cách đầy đủ và đồng bộ: (1). Nhóm quy địn chung về hoạt động thẩm định giá, bao gồm: quản lý nhà nước trong lĩnh vực thẩm định giá đối với doanh nghiệp thẩm định giá, tổ chức nghề nghiệp về thẩm định giá theo quy định của pháp luật; quy định về kiểm soát chất lượng hoạt động thẩm định giá và về việc chấp hành các quy định của Nhà nước về thẩm định giá; …; (2). Nhóm quy định về điều kiện dự thi, việc tổ chức thi và điều kiện để cấp Thẻ thẩm định viên về giá; quản lý, cấp và thu hồi thẻ thẩm định viên về giá; (3). Nhóm quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá; bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về thẩm định giá cho thẩm định viên về giá hành nghề; và (4). Nhóm quy định về tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam.
– Dài hạn hơn, nghiên cứu sửa đổi Luật giá về thẩm định giá cũng như các văn bản hướng dẫn theo hướng:
+ Hoàn thiện các quy định về điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá. Qua đó một mặt đáp ứng yêu cầu đặt ra trong việc củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động thẩm định giá, một mặt bảo đảm tính tương đồng đối với các hoạt động cung cấp dịch vụ tài chính khác tương tự.
+ Tăng cường các giải pháp quản lý đối với hoạt động thẩm định viên về giá; xử lý các chồng chéo, vướng mắc trong quản lý thẩm định viên về giá; đồng thời phân ngành theo chuyên môn, nghiệp vụ thẩm định giá để hướng đến tính chuyên nghiệp, phù hợp với thông lệ quốc tế.
+ Hoàn thiện để quy định rõ những trường hợp cần phải thẩm định giá của nhà nước cho phù hợp với luật khác có liên quan; đồng thời củng cố hoạt động này để đáp ứng nhu cầu đặt ra trong tình hình thực tiễn quản lý nhà nước về giá hiện nay.
+ Hoàn thiện các quy định về phương thức thực hiện hoạt động thẩm định giá của nhà nước; củng cố quy định liên quan đến Hội đồng thẩm định giá của nhà nước.
+ Rà soát lại Hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá, hướng đến việc hoàn thiện bộ tiêu chuẩn thẩm định giá, đảm bảo các hướng dẫn về thẩm định giá bao quát được các đối tượng tài sản khác nhau; đồng thời đảm bảo bộ tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn thẩm định giá quốc tế và khu vực.
3.2. Phát triển đội ngũ thẩm định viên về giá và doanh nghiệp thẩm định giá
– Tăng điều kiện về số lượng thẩm định viên tại doanh nghiệp từ 03 lên 05 thẩm định viên
– Thẩm định viên về giá được phân thành 02 loại theo đối tượng tài sản: Thẻ thẩm định viên về giá loại 1 được thẩm định giá bất động sản và máy thiết bị; Thẻ thẩm định viên về giá loại 2 được thẩm định giá bất động sản, máy thiết bị, doanh nghiệp, tài sản vô hình và các loại tài sản khác.
– Bên cạnh đó cũng nghiên cứu để xếp hạng Thẻ thẩm định viên theo 03 cấp độ: Thẻ thẩm định viên, Thẻ thẩm định viên chính, Thẻ thẩm định viên cao cấp.
– Bỏ loại hình doanh nghiệp cổ phần khi thành lập doanh nghiệp thẩm định giá.
– Chuyển các quy định về điều kiện đối với người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc từ Nghị định 12/2021/NĐ-CP vào nội dung của mục 2 chương IV của Luật.
3.3. Tái bản và chuyển hoá bộ tài liệu đào tạo, bồi dưỡng về thẩm định giá; ban hành sổ tay hướng dẫn thực hành thẩm định giá theo tài sản.
– Tái bản có sửa chữa bổ sung tài liệu đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá, trong đó cập nhật những nội dung mới phù hợp với quy định hiện hành.
– Biên soạn tài liệu Sổ tay hướng dẫn thực hành thẩm định giá, trong đó trình bày những tình huống thẩm định giá cụ thể đối với thẩm định giá một số loại tài sản phổ biến.
3.4. Tiếp tục nâng cao cho cán bộ, công chức quản lý nhà nước về giá và thẩm định giá; cũng như nâng cao vai trò của hoạt động thẩm định giá của nhà nước
– Tiêu chuẩn hoá việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước làm việc trong lĩnh vực quản lý nhà nước về giá và thẩm định giá từ trung ương xuống địa phương; đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng nhằm đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra.
– Chuyển các quy định về: (1). Hội đồng thẩm định giá nhà nước; (2). Quyền, nghĩa vụ của Hội đồng thẩm định giá nhà nước; (3). Quyền, nghĩa vụ của thành viên Hội đồng thẩm định giá nhà nước; (4). Các trường hợp không được tham gia thẩm định giá nhà nước; (5). Chi phí thẩm định giá tài sản nhà nước từ Nghị định 89/2013/NĐ-CP vào nội dung của Luật giá.
– Tăng quy định về số lượng thành viên có chứng chỉ chuyên môn đối với thành viên tham gia Hội đồng thẩm định giá nhà nước.
3.5. Đẩy mạnh việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về giá
Tiếp tục củng cố và hoàn thiện xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, trong đó tập trung vào các nội dung sau:
- Đẩy mạnh việc triển khai dự án “Xây dựng CSDL quốc gia về giá giai đoạn 2”; thực hiện kết nối với các Bộ/Ngành, cũng như triển khai tới tất cả 63 địa phương và khoảng 250 doanh nghiệp thẩm định giá.
- Đẩy mạnh việc hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước trong việc phát triển các cấu phần liên quan đến CSDL quốc gia về giá.
- Nghiên cứu và ứng dụng để khai thác dữ liệu quốc gia về giá phục vụ hữu ích cho công tác quản lý nhà nước về giá cũng như hoạt động thẩm định giá, tiến tới phát hành ấn phẩm Chuyên sâu thông tin về tình hình giá cả thị trường
|
-
Thẩm định giá bất động sản
-
Thẩm định giá động sản
-
Thẩm định giá trị doanh nghiệp
-
Thẩm định giá dự án đầu tư
-
Thẩm định giá tài sản vô hình
-
Thẩm định giá tài nguyên
Cùng chuyên mục
Đọc thêm
-
Thẩm định giá bất động sản
-
Thẩm định giá động sản
-
Thẩm định giá trị doanh nghiệp
-
Thẩm định giá dự án đầu tư
-
Thẩm định giá tài sản vô hình
-
Thẩm định giá tài nguyên