Công tác tổ chức hoạt động thẩm định giá: Công tác tổ chức hoạt động thẩm định giá là việc bố trí, sắp xếp, quy định trách nhiệm, quyền hạn của các cá nhân, bộ phận tham gia thẩm định; trình tự tiến hành cũng như phân công, phân nhiệm cụ thể, khoa học; tạo cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong khâu thực hiện nhằm đảm bảo việc thẩm định được tiến hành nhanh chóng, thuận tiện và chính xác.
Yếu tố tổ chức hoạt động thẩm định giá còn thể hiện ở việc xây dựng quy trình và lựa chọn phương pháp. Trong thẩm định giá DN nói chung, việc áp dụng một quy trình khoa học, đầy đủ luôn là điều kiện cần thiết. Đây là cơ sở đảm bảo thực hiện tốt công tác thẩm định giá doanh nghiệp, giảm thiểu rủi ro, cũng như nâng cao chất lượng thẩm định.
Ngoài ra, trên cơ sở các thông tin thu thập được, việc lựa chọn phương pháp thẩm định thích hợp cũng rất quan trọng. Đó là việc lựa chọn cách thức để xử lý thông tin một cách khoa học, tiên tiến, phù hợp với DN cần định giá. Trong cách tiếp cận về dòng tiền cũng được chia thành nhiều phương pháp khác nhau, mỗi một phương pháp đều có những ưu, nhược điểm riêng và được áp dụng trong những điều kiện cụ thể.
Chính vì vậy, việc lựa chọn phương pháp phù hợp đối với từng loại hình doanh nghiệp là yếu tố quyết định đến triển khai các công việc về sau một cách hợp lý, đảm bảo được yêu cầu của khách hàng và các bên liên quan.
Bên cạnh đó, phân bổ thời gian và chi phí hợp lý cho từng khâu, từng công đoạn cũng là một trong các yếu tố cần xét đến trong quá trình tổ chức thực hiện. Thông thường, để tiến hành thẩm định giá DN theo phương pháp chiết khấu dòng tiền đòi hỏi thời gian lâu hơn so với các tài sản khác.
Do vậy, việc thỏa thuận thời gian hoàn thành trong hợp đồng với khách hàng cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới việc vận dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền trong thực tế. Ngoài ra, chi phí dành cho thẩm định giá cũng là một nhân tố giúp công tác thẩm định được hoàn thiện và là một phần không thể thiếu. Việc phân bổ thời gian và chi phí cho từng khâu cần được tính toán một cách hợp lý, khoa học, tạo điều kiện cho công tác thẩm định giá DN theo phương pháp chiết khấu dòng tiền đạt được hiệu quả tốt nhất.
– Sự tin cậy của thông tin, tài liệu thu thập phục vụ công tác thẩm định giá: Thẩm định giá doanh nghiệp được tiến hành trên cơ sở các thông tin thu thập từ nhiều nguồn. Đặc biệt, khi áp dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền, đòi hỏi phải phân tích lượng thông tin đầu vào rất lớn, từ thông tin mang tính vĩ mô đến các thông tin về nội tại của doanh nghiệp cần thẩm định giá.
Trong thực tế, việc thẩm định giá doanh nghiệp theo phương pháp chiết khấu dòng tiền phụ thuộc rất lớn vào thông tin, tài liệu do khách hàng, doanh nghiệp cần thẩm định giá cung cấp. Thẩm định viên dù có trình độ tốt đến đâu cũng khó có thể đi sâu và nắm vững được tình hình nội bộ của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp cần thẩm định giá cố tình gây sức ép hoặc lợi dụng sơ hở nào đó để nhằm đạt được mục đích của mình thì khó tránh khỏi việc công ty thẩm định rơi vào trạng thái nhiều rủi ro, bị đe dọa.
– Ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác thẩm định giá: Việc thẩm định giá doanh nghiệp theo phương pháp chiết khấu dòng tiền đòi hỏi phải thu thập một khối lượng dữ liệu rất lớn, đồng thời phải lựa chọn phương pháp khoa học nhằm kết luận về mức giá cuối cùng. Để hỗ trợ cho công tác thẩm định giá và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong việc lưu trữ, xử lý và tính toán các số liệu, nảy sinh nhu cầu thiết kế một hệ thống thẩm định giá tài sản trên máy tính. Hệ thống này có chức năng lưu trữ các số liệu thu thập được từ nhiều nguồn thông tin để tiến hành thẩm định giá, tự động hoá bước chọn lọc dữ liệu theo yêu cầu của người sử dụng trong quá trình chọn mẫu, tự động hoá các bước tính toán với khối lượng dữ liệu lớn và có khả năng kết xuất các báo cáo, biểu đồ, sơ đồ theo yêu cầu của công tác thẩm định giá.
Thực tiễn cho thấy, việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu riêng phục vụ thẩm định giá DN cũng như ứng dụng CNTT vào công tác thẩm định giá là rất cần thiết. Tuy nhiên, qua khảo sát, có tới 40,4% các DN thẩm định giá không xây dựng cơ sở dữ liệu riêng cho lĩnh vực này.
Các DN còn lại, kể cả đã ứng dụng CNTT thì số lượng thông tin về DN được lưu trữ trên hệ thống còn chưa nhiều, chưa phong phú do số lượng hợp đồng về thẩm định giá DN còn “khiêm tốn” hơn rất nhiều so với thẩm định giá bất động sản, máy thiết bị. Vì thế trong thực tế, cán bộ thẩm định vẫn phải tiến hành tìm kiếm thông tin từ rất nhiều nguồn khác nhau, trong khi phải chịu sức ép về mặt thời gian, dẫn đến nhiều bước bị bỏ qua hoặc làm rất sơ sài.
Đánh giá của thẩm định viên về các nhân tố ảnh hưởng tới việc vận dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền
Để nghiên cứu sự đánh giá của thẩm định viên về các nhân tố có ảnh hưởng tới việc vận dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền trong thẩm định giá DN ở Việt Nam, tác giả đã tiến hành khảo sát ý kiến của các thẩm định viên tại 311 DN có chức năng thẩm định giá về mức độ ảnh hưởng của các nhân tố nói trên tới việc vận dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền trong thẩm định giá DN ở Việt Nam. Số phiếu phát ra là 350 phiếu, số phiếu thu về là 330 phiếu, sau khi mã hóa và làm sạch, tổng số phiếu hợp lệ là 322 phiếu. Sau đó, tác giả đã sử dụng phần mềm SPSS 20.0 để phân tích, thu được kết quả tổng hợp qua Bảng 1 như sau:
Với thang đo Likert 5, các mức giá trị mean có ý nghĩa như sau: 1.00 – 1.80: Rất nhiều; 1.81 – 2.60: Nhiều; 2.61 – 3.40: Bình thường; 3.41 – 4.20: Ít; 4.21 – 5.00: Rất ít. Như vậy, có thể thấy rằng, hầu hết thẩm định viên đều cho rằng, các nhân tố được đề cập ở trên đều có ảnh hưởng “nhiều” tới việc vận dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền trong thực tế.
Hoàn thiện phương pháp chiết khấu dòng tiền trong thẩm định giá doanh nghiệp
Có thể nói, việc xem xét, đánh giá các nhân tố tác động có ý nghĩa quan trọng trong việc đề xuất những giải pháp mang tính khả thi và đồng bộ nhằm hoàn thiện phương pháp chiết khấu dòng tiền trong thẩm định giá DN ở Việt Nam thời gian tới. Theo đó, dựa trên việc nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến việc vận dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền, cũng như đánh giá của thẩm định viên về các nhân tố ảnh hưởng tới việc vận dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền, tác giả đề xuất một số kiến nghị sau:
Thứ nhất, về phía các cơ quan quản lý nhà nước.
– Cần sớm hoàn thiện các quy định pháp lý về phương pháp chiết khấu dòng tiền, tạo cơ sở pháp lý để các DN cũng như thẩm định viên có thể áp dụng trong thực tiễn.
– Cần xây dựng hệ thống thông tin về hệ số tín nhiệm, các chỉ số tài chính trung bình ngành. Loại thông tin này được công bố, trong nhiều trường hợp, sẽ giúp các chuyên gia thẩm định không sa vào một ma trận các loại thông tin mà vẫn ước lượng được các tỷ lệ rủi ro và giá trị DN một cách nhanh chóng.
Thứ hai, về phía các doanh nghiệp thẩm định giá.
– Cần quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ nhân sự trong lĩnh vực thẩm định giá DN. Đây là giải pháp mang tính then chốt và cấp bách nhất trong giai đoạn hiện nay.
– Chú trọng vào việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ và phong phú phục vụ cho hoạt động thẩm định giá DN, làm bằng chứng kiểm tra các nguồn thông tin khác, tạo sự tin tưởng cho khách hàng.
Theo Tapchitaichinh
|