Lựa chọn cơ sở giá trị và sử dụng báo cáo tài chính trong thẩm định giá doanh nghiệp
(TDVC Cơ sở giá trị trong thẩm định giá doanh nghiệp) – Thẩm định giá doanh nghiệp là việc ước tính giá trị của doanh nghiệp hay lợi ích của nó theo một mục đích nhất định bằng cách sử dụng các phương pháp thẩm định giá phù hợp. Quá trình này do thẩm định viên về giá tiến hành. Nói cách khác, thẩm định giá doanh nghiệp là quá trình đánh giá hay ước tính với độ tin cậy cao nhất về khoản thu nhập mà doanh nghiệp có thể tạo ra trong quá trình sản xuất kinh doanh. Thẩm định giá trị doanh nghiệp thẩm định viên luôn phải căn cứ vào cơ sở giá trị doanh nghiệp là giá trị thị trường hoặc giá phi thị trường.
Theo tiêu chuẩn thẩm định giá số 12 Số: 122/2017/TT-BTC Bộ tài chính ban hành ngày 15 tháng 11 năm 2017 thì cơ sở giá trị trong thẩm định giá doanh nghiệp và sử dụng báo cáo tài chính trong thẩm định giá doanh nghiệp được quy định như sau:
Cơ sở giá trị trong thẩm định giá doanh nghiệp
Cơ sở giá trị doanh nghiệp là cơ sở giá trị thị trường hoặc cơ sở giá trị phi thị trường. Cơ sở giá trị doanh nghiệp được xác định trên cơ sở mục đích thẩm định giá, đặc điểm pháp lý, đặc điểm kinh tế – kỹ thuật và đặc điểm thị trường của doanh nghiệp cần thẩm định giá, yêu cầu của khách hàng thẩm định giá tại hợp đồng thẩm định giá (nếu phù hợp với mục đích thẩm định giá) và quy định của pháp luật có liên quan. Các nội dung khác thực hiện theo quy định tại Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 2 và số 3.
Căn cứ vào triển vọng thực tế của doanh nghiệp, thị trường kinh doanh của doanh nghiệp, mục đích thẩm định giá và quy định của pháp luật, thẩm định viên đưa ra nhận định về tình trạng hoạt động, tình trạng giao dịch (thực tế hoặc giả thiết) của doanh nghiệp cần thẩm định giá sau thời điểm thẩm định giá. Thông thường giá trị của doanh nghiệp là giá trị doanh nghiệp hoạt động liên tục. Trong trường hợp thẩm định viên nhận định rằng doanh nghiệp sẽ chấm dứt hoạt động sau thời điểm thẩm định giá thì giá trị của doanh nghiệp sẽ là giá trị doanh nghiệp hoạt động có thời hạn hoặc giá trị thanh lý.
Việc áp dụng các phương pháp thẩm định giá doanh nghiệp cần phù hợp với cơ sở giá trị doanh nghiệp và nhận định của thẩm định viên về trạng thái hoạt động của doanh nghiệp tại và sau thời điểm thẩm định giá.
Sử dụng báo cáo tài chính trong thẩm định giá doanh nghiệp
Báo cáo tài chính được sử dụng trong thẩm định giá doanh nghiệp
Báo cáo tài chính được sử dụng trong thẩm định giá doanh nghiệp bao gồm: Báo cáo tài chính năm, báo cáo tài chính năm được kiểm toán, báo cáo tài chính giữa niên độ, báo cáo tài chính giữa niên độ được soát xét, báo cáo tài chính tại thời điểm thẩm định giá được kiểm toán. Trong đó, đối với cùng một số liệu, chỉ tiêu, thứ tự ưu tiên như sau:
- Số liệu, chỉ tiêu tại báo cáo tài chính gần nhất với thời điểm thẩm định giá được ưu tiên sử dụng.
- Tại cùng một thời điểm, số liệu, chỉ tiêu tại báo cáo tài chính được kiểm toán, soát xét được ưu tiên sử dụng.
Trường hợp doanh nghiệp cần thẩm định giá là công ty mẹ và có báo cáo hợp nhất tại thời điểm thẩm định giá thì thẩm định viên cần xem xét cả báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ và công ty con để sử dụng cho phù hợp với cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá lựa chọn, ưu tiên sử dụng báo cáo tài chính riêng.
Một số lưu ý khi sử dụng báo cáo tài chính
- Thẩm định viên nên đối chiếu, kiểm tra tính chính xác để bảo đảm độ tin cậy, trường hợp cần thiết, thẩm định viên yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh lại báo cáo tài chính và sổ sách kế toán chính xác trước khi đưa vào phân tích thông tin, áp dụng các cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá. Trường hợp doanh nghiệp cần thẩm định giá không điều chỉnh thì thẩm định viên có thể xác định chênh lệch và có phân tích rõ nội dung, căn cứ xác định chênh lệch và ghi rõ trong Báo cáo kết quả thẩm định giá.
- Khi sử dụng số liệu từ báo cáo tài chính chưa được kiểm toán, soát xét mà không thực hiện đối chiếu, kiểm tra tính chính xác của các số liệu, thẩm định viên phải nêu rõ hạn chế này trong phần hạn chế của Chứng thư và Báo cáo kết quả thẩm định giá để khách hàng thẩm định giá và người sử dụng kết quả thẩm định giá được biết.
- Đối với phương pháp trong cách tiếp cận từ thị trường: khi sử dụng số liệu từ báo cáo tài chính của doanh nghiệp cần thẩm định giá, doanh nghiệp so sánh để tính toán các chỉ tiêu: lãi cơ bản trên một cổ phiếu (EPS), lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) trong tính toán các tỷ số thị trường nhằm mục đích thẩm định giá, thẩm định viên cần cân nhắc điều chỉnh để loại trừ thu nhập và chi phí của các tài sản phi hoạt động, các khoản chi phí, thu nhập bất thường, không mang tính thường xuyên.
- Đối với phương pháp trong cách tiếp cận từ chi phí, cách tiếp cận từ thu nhập: khi sử dụng số liệu về lợi nhuận từ báo cáo tài chính trong các năm gần nhất của doanh nghiệp cần thẩm định giá nhằm mục đích dự báo dòng thu nhập hàng năm của doanh nghiệp cần thẩm định giá, thẩm định viên cần cân nhắc loại trừ thu nhập và chi phí của các tài sản phi hoạt động, các khoản chi phí, thu nhập bất thường, không mang tính thường xuyên.
- Các khoản chi phí, lợi nhuận không mang tính thường xuyên bao gồm: các khoản chi phí liên quan đến việc tái cấu trúc doanh nghiệp; các khoản tăng, giảm ghi nhận khi bán tài sản; thay đổi các nguyên tắc hạch toán kế toán; ghi nhận giảm giá hàng tồn kho; suy giảm lợi thế thương mại; xóa sổ nợ; tổn thất hoặc lợi ích từ các quyết định của tòa án và các khoản lợi nhuận, chi phí không thường xuyên khác. Các khoản mục này khi điều chỉnh phải xem xét đến tác động của thuế thu nhập doanh nghiệp (nếu có).
|
-
Thẩm định giá bất động sản
-
Thẩm định giá động sản
-
Thẩm định giá trị doanh nghiệp
-
Thẩm định giá dự án đầu tư
-
Thẩm định giá tài sản vô hình
-
Thẩm định giá tài nguyên
Cùng chuyên mục
Đọc thêm
-
Thẩm định giá bất động sản
-
Thẩm định giá động sản
-
Thẩm định giá trị doanh nghiệp
-
Thẩm định giá dự án đầu tư
-
Thẩm định giá tài sản vô hình
-
Thẩm định giá tài nguyên