Phương pháp thẩm định giá doanh nghiệp theo cách tiếp cận từ thị trường
(TDVC Phương pháp thẩm định giá doanh nghiệp theo thị trường) – Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế thế giới ngày càng diễn ra mạnh mẽ, thẩm định giá doanh nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động thẩm định giá tài sản hiện nay phục vụ nhiều mục đích cho các doanh nghiệp: Xác định giá trị thế chấp vay vốn ngân hàng, xác định giá trị mua bán sáp nhập (M&A), xác định giá trị đầu tư góp vốn… Thẩm định giá doanh nghiệp là việc ước tính giá trị của doanh nghiệp hay lợi ích của nó theo một mục đích nhất định bằng cách sử dụng các phương pháp thẩm định giá phù hợp. Đối với từng loại hình doanh nghiệp, thông tin hồ sơ thu thập được, mục đích thẩm định giá, thời điểm thẩm định giá thẩm định viên sẽ đưa ra các phương pháp thẩm định giá cụ thể, khoa học và có độ chính xác cao. Theo tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 12 Bộ Tài Chính ban hành số 122/2017/TT-BTC ngày ngày 15 tháng 11 năm 2017 thì có ba cách tiếp cận áp dụng trong thẩm định giá doanh nghiệp bao gồm: cách tiếp cận từ thị trường, cách tiếp cận từ chi phí và cách tiếp cận từ thu nhập. Doanh nghiệp thẩm định giá có thể sử dụng tất cả các cách tiếp cận để thẩm định giá doanh nghiệp.
Theo tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 12, trong cách tiếp cận từ thị trường, giá trị doanh nghiệp được xác định thông qua giá trị của doanh nghiệp tương tự hoặc giống hệt với doanh nghiệp cần thẩm định giá về các yếu tố: ngành nghề kinh doanh chính; khách hàng và thị trường tiêu thụ; các chỉ số tài chính hoặc giá giao dịch đã thành công của chính doanh nghiệp cần thẩm định giá. Phương pháp được sử dụng trong cách tiếp cận từ thị trường để xác định giá trị doanh nghiệp là phương pháp tỷ số bình quân và phương pháp giá giao dịch.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM |
Phương pháp thẩm định giá doanh nghiệp theo cách tiếp cận từ thị trường
1. Phương pháp tỷ số bình quân
Phương pháp tỷ số bình quân ước tính giá trị doanh nghiệp cần thẩm định giá thông qua tỷ số thị trường trung bình của các doanh nghiệp so sánh. Doanh nghiệp so sánh là doanh nghiệp thỏa mãn các điều kiện sau:
Tương tự với doanh nghiệp cần thẩm định giá về các yếu tố: ngành nghề kinh doanh chính; khách hàng và thị trường tiêu thụ; các chỉ số tài chính. Có cổ phần được giao dịch thành công trên thị trường tại thời điểm thẩm định giá hoặc gần thời điểm thẩm định giá nhưng không quá 01 năm tính đến thời điểm thẩm định giá.
Các tỷ số thị trường được sử dụng trong phương pháp tỷ số bình quân bao gồm: tỷ số giá trên thu nhập bình quân (P/E), tỷ số giá trên doanh thu bình quân (P/S), tỷ số giá trên giá trị sổ sách bình quân (P/B), tỷ số giá trị doanh nghiệp trên lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao bình quân (EV/EBITDA).
(1.1). Trường hợp áp dụng phương pháp tỷ số bình quân
Có ít nhất 03 doanh nghiệp so sánh. Ưu tiên các doanh nghiệp so sánh là các doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch trên UPCoM.
(1.2). Nguyên tắc thực hiện
- Cách thức xác định các chỉ số tài chính, tỷ số thị trường phải nhất quán đối với tất cả các doanh nghiệp so sánh và doanh nghiệp cần thẩm định giá.
- Các chỉ số tài chính, tỷ số thị trường của các doanh nghiệp so sánh được thu thập từ các nguồn khác nhau phải được rà soát, điều chỉnh để bảo đảm tính nhất quán về cách thức xác định trước khi đưa vào sử dụng trong thẩm định giá.
(1.3). Các bước xác định giá trị doanh nghiệp
- Bước 1: Đánh giá, lựa chọn các doanh nghiệp so sánh.
- Bước 2: Xác định tỷ số thị trường được sử dụng để ước tính giá trị doanh nghiệp cần thẩm định giá.
- Bước 3: Ước tính giá trị doanh nghiệp cần thẩm định giá.
(1.4). Đánh giá, lựa chọn các doanh nghiệp so sánh
Tiêu chí đánh giá, lựa chọn các doanh nghiệp so sánh bao gồm:
a, Doanh nghiệp so sánh phải tương tự với doanh nghiệp cần thẩm định giá về các yếu tố: ngành nghề kinh doanh chính; nhóm khách hàng và thị trường tiêu thụ. Trong nhiều trường hợp, các doanh nghiệp tương tự với doanh nghiệp cần thẩm định giá về các yếu tố này có thể được lựa chọn từ các đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp cần thẩm định giá.
b, Doanh nghiệp so sánh phải tương tự với doanh nghiệp cần thẩm định giá về các chỉ số tài chính, bao gồm:
- Chỉ số phản ánh quy mô của doanh nghiệp: vốn điều lệ, doanh thu, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ.
- Chỉ số phản ánh khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp: tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp trung bình trong 03 năm gần nhất.
- Chỉ số phản ánh hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp: tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA).
Thẩm định viên tiến hành đánh giá theo các tiêu chí trên để lựa chọn được ít nhất 03 doanh nghiệp so sánh. Tỷ số thị trường của các doanh nghiệp so sánh này được sử dụng để ước tính giá trị doanh nghiệp cần thẩm định giá. Số lượng doanh nghiệp so sánh càng nhiều thì độ tin cậy của các tỷ số thị trường bình quân càng cao.
(1.5). Xác định tỷ số thị trường được sử dụng để ước tính giá trị doanh nghiệp cần thẩm định giá
Thẩm định viên xác định các tỷ số thị trường của doanh nghiệp so sánh, bao gồm: P/E, P/B, P/S, EV/EBITDA. Khi thẩm định giá các công ty tài chính, ngân hàng, thẩm định viên có thể không cần xác định tỷ số thị trường P/S.
Lưu ý khi xác định các tỷ số thị trường:
- Giá cổ phần của doanh nghiệp so sánh được lấy là mức giá đóng cửa trong ngày giao dịch gần nhất của các cổ phần này trên thị trường chứng khoán tại thời điểm thẩm định giá. Trong trường hợp cổ phần của doanh nghiệp so sánh chưa niêm yết trên sàn chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên UPCoM, giá cổ phần của doanh nghiệp so sánh là giá cổ phần của doanh nghiệp này được giao dịch thành công trên thị trường gần nhất với thời điểm thẩm định giá nhưng không quá 01 năm tính đến thời điểm thẩm định giá.
- Giá trị sổ sách của cổ phần trong chỉ số (P/B)cần lưu ý trừ phần giá trị sổ sách của tài sản cố định vô hình (không bao gồm quyền sử dụng đất, quyền khai thác tài sản trên đất) để hạn chế tác động của quy định về hạch toán kế toán đối với tài sản cố định vô hình có thể làm sai lệch kết quả thẩm định giá trong trường hợp các doanh nghiệp so sánh, doanh nghiệp cần thẩm định giá có tài sản cố định vô hình trong bảng cân đối kế toán. Trong trường hợp không trừ phần giá trị sổ sách của tài sản cố định vô hình phải nêu rõ lý do.
Tham số giá trị thị trường của các doanh nghiệp so sánh (EV) trong tỷ số thị trường EV/EBITDA được tính theo công thức sau:
Giá trị thị trường của doanh nghiệp | = | Vốn hóa thị trường của cổ phần thường | + | Giá trị các khoản nợ | + | Giá trị cổ phần ưu đãi (nếu có) | + | Lợi ích của cổ đông không nắm quyền kiểm soát (nếu có) | – | Giá trị tiền và các khoản tương đương tiền |
Trong đó:
+) Giá trị các khoản nợ, giá trị cổ phần ưu đãi, lợi ích của cổ đông không nắm quyền kiểm soát, giá trị tiền và các khoản tương đương tiền được xác định theo giá trị sổ sách kế toán.
+) Trường hợp doanh nghiệp có phát hành chứng khoán chuyển đổi, chứng khoán quyền chọn, thẩm định viên cân nhắc việc chuyển đổi các chứng khoán này sang cổ phần thường nếu phù hợp khi xác định vốn hóa thị trường của doanh nghiệp.
EBITDA của doanh nghiệp so sánh không bao gồm các khoản thu nhập từ tiền và các khoản tương đương tiền.
(1.6). Ước tính giá trị doanh nghiệp cần thẩm định giá
a, Xác định tỷ số thị trường bình quân cho từng tỷ số thị trường:
Tỷ số thị trường bình quân có thể được xác định bằng trung bình cộng tỷ số thị trường của các doanh nghiệp so sánh hoặc xác định bằng việc tính bình quân có trọng số tỷ số thị trường của các doanh nghiệp so sánh. Việc xác định trọng số tỷ số thị trường cho từng doanh nghiệp so sánh có thể dựa trên phân tích về đặc thù phát triển ngành, khả năng phát triển của từng doanh nghiệp.
b, Xác định giá trị doanh nghiệp cần thẩm định giá theo từng tỷ số thị trường bình quân:
Xác định giá trị doanh nghiệp cần thẩm định giá theo tỷ số thị trường: (EV/EBITDA)
Giá trị thị trường doanh nghiệp cần thẩm định giá | = | EBITDA của doanh nghiệp cần thẩm định giá | × | EV/EBITDA bình quân của các doanh nghiệp so sánh | + | Giá trị tiền và các khoản tương đương tiền |
Trong đó EBITDA của doanh nghiệp cần thẩm định giá không bao gồm các khoản thu nhập từ tiền và các khoản tương đương tiền.
– Xác định giá trị doanh nghiệp cần thẩm định giá theo tỷ số thị trường P/E, P/B, P/S
+) Xác định giá trị doanh nghiệp cần thẩm định giá theo tỷ số thị trường P/E
Giá trị thị trường vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá | = | Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp 4 quý gần nhất của doanh nghiệp cần thẩm định giá | × | (P/E) bình quân của các doanh nghiệp so sánh |
+) Xác định giá trị doanh nghiệp cần thẩm định giá theo tỷ số thị trường P/B
Giá trị thị trường vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá | = | Giá trị sổ sách của vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá gần nhất thời điểm thẩm định giá | × | (P/B) bình quân của các doanh nghiệp so sánh |
+) Xác định giá trị doanh nghiệp cần thẩm định giá theo tỷ số thị trường
Giá trị thị trường vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá | = | Doanh thu thuần 4 quý gần nhất của doanh nghiệp cần thẩm định thẩm định giá | × | (P/S) bình quân của các doanh nghiệp so sánh |
+) Giá trị doanh nghiệp cần thẩm định giá được tính toán theo công thức sau:
Giá trị thị trường của doanh nghiệp | = | Giá trị thị trường vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp | + | Giá trị các khoản nợ |
Trong đó: Giá trị các khoản nợ của doanh nghiệp cần thẩm định giá được xác định theo giá thị trường nếu có chứng cứ thị trường, nếu không có thì xác định theo giá trị sổ sách kế toán.
c) Ước tính giá trị doanh nghiệp cần thẩm định giá theo phương pháp tỷ số bình quân:
Giá trị doanh nghiệp cần thẩm định giá theo phương pháp tỷ số bình quân có thể được xác định bằng trung bình cộng các kết quả giá trị doanh nghiệp cần thẩm định giá được xác định theo từng tỷ số thị trường bình quân hoặc xác định bằng việc tính bình quân có trọng số của các kết quả. Việc xác định trọng số cho từng kết quả giá trị có thể dựa trên đánh giá mức độ tương đồng giữa các doanh nghiệp so sánh đối với từng loại tỷ số thị trường được sử dụng để tính toán kết quả giá trị đó theo nguyên tắc: tỷ số thị trường nào có mức độ tương đồng càng cao giữa các doanh nghiệp so sánh thì kết quả giá trị sử dụng tỷ số thị trường đó có trọng số càng lớn.
2. Phương pháp giá giao dịch
Phương pháp giá giao dịch ước tính giá trị doanh nghiệp cần thẩm định giá thông qua giá giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp hoặc chuyển nhượng cổ phần thành công trên thị trường của chính doanh nghiệp cần thẩm định giá.
(2.1). Trường hợp áp dụng phương pháp giá giao dịch
Doanh nghiệp cần thẩm định giá có ít nhất 03 giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp hoặc chuyển nhượng cổ phần thành công trên thị trường, đồng thời, thời điểm diễn ra giao dịch không quá 01 năm tính đến thời điểm thẩm định giá.
(2.2). Nguyên tắc áp dụng
Thẩm định viên cần cân nhắc điều chỉnh giá các giao dịch thành công cho phù hợp với thời điểm thẩm định giá nếu cần thiết.
(2.3). Ước tính giá trị doanh nghiệp
Giá trị doanh nghiệp cần thẩm định giá được xác định theo công thức xác định giá trị thị trường của doanh nghiệp như sau:
Giá trị thị trường của doanh nghiệp | = | Giá trị thị trường vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp | + | Giá trị các khoản nợ |
Trong đó:
+) Giá trị thị trường vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá được tính theo giá bình quân theo khối lượng giao dịch của ít nhất 03 giao dịch thành công của việc chuyển nhượng phần vốn góp hoặc cổ phần gần nhất trước với thời điểm thẩm định giá.
Riêng trường hợp doanh nghiệp cần thẩm định giá là doanh nghiệp đã niêm yết cổ phần trên sàn chứng khoán, đăng ký giao dịch trên UPCoM, giá cổ phần để tính giá thị trường vốn chủ sở hữu là giá đóng cửa bình quân theo khối lượng giao dịch 15 ngày giao dịch gần nhất trước thời điểm thẩm định giá. Trường hợp các giao dịch trước thời điểm thẩm định giá có dấu hiệu bất thường, thẩm định viên có thể xem xét cả các giao dịch 15 ngày giao dịch gần nhất sau thời điểm thẩm định giá.
+) Giá trị các khoản nợ của doanh nghiệp cần thẩm định giá được xác định theo giá thị trường nếu có chứng cứ thị trường, nếu không có thì xác định theo giá trị sổ sách kế toán.
Thẩm định giá doanh nghiệp theo cách tiếp cận từ thị trường luôn đòi hỏi thẩm định viên về giá là một người được đào tạo, huấn luyện, và có kinh nghiệm, chuyên môn sâu đáp ứng tiêu chuẩn để thực hiện việc thẩm định giá doanh nghiệp, lợi ích phát sinh từ việc sở hữu doanh nghiệp, chứng khoán, và các tài sản vô hình.
QUÍ VỊ CÓ NHU CẦU THẨM ĐỊNH GIÁ VUI LÒNG LIÊN HỆ:
CÔNG TY CỔ PHẦN THẨM ĐỊNH GIÁ THÀNH ĐÔ
- Hội sở: Tầng 5 – tòa nhà Viễn Đông, số 36 Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội.
- Hotline: 0985103666 – 0906020090 | | Email: info@tdvc.com.vn
- Hệ thống thẩm định giá toàn quốc: XEM CHI TIẾT TẠI ĐÂY
- Hồ sơ năng lực:TẠI ĐÂY
Bạn đang đọc bài viết: “Phương pháp thẩm định giá doanh nghiệp theo cách tiếp cận từ thị trường” tại chuyên mục tin thẩm định giá của Công ty cổ phần Thẩm định giá Thành Đô, đơn vị thẩm định giá tài sản hàng đầu tại Việt Nam.
Liên hệ thẩm định giá: 0985 103 666 0906 020 090
Website: www.thamdinhgiathanhdo.com
-
Thẩm định giá bất động sản
-
Thẩm định giá động sản
-
Thẩm định giá trị doanh nghiệp
-
Thẩm định giá dự án đầu tư
-
Thẩm định giá tài sản vô hình
-
Thẩm định giá tài nguyên
Cùng chuyên mục
Đọc thêm
-
Thẩm định giá bất động sản
-
Thẩm định giá động sản
-
Thẩm định giá trị doanh nghiệp
-
Thẩm định giá dự án đầu tư
-
Thẩm định giá tài sản vô hình
-
Thẩm định giá tài nguyên